Làm Sao Biết Người Thực Hành Thiền Có Huệ





Ôn bài Huệ
Thầy : - Quảng Trực! Huệ là gì?
Anh Quảng Trực: - Thưa Thầy, Huệ là năng lực trí tuệ siêu vượt. Nó thuộc trí vô sư và có tính sáng tạo. Ở mức thấp, nó là năng lực thấy biết như thật hiện tượng thế gian. Ở mức cao, nó là năng lực siêu trực giác.

Thầy: - Trong Huệ, tâm có dính mắc không?
Anh Quảng Trực: - Thưa không! Vì nó là năng lực được phát huy từ vùng Tánh giác! Thiền Tông giả lập danh xưng là "Ông Chủ," Phật giáo Phát Triển gọi là "Chân Ngã" hoặc "Tự ngã thanh tịnh."

LÀM SAO BIẾT NGƯỜI THỰC HÀNH THIỀN CÓ HUỆ?

Chơn Niệm Tường hỏi: - Thưa Thầy, làm sao biết một người thực hành Thiền có Huệ?

Thầy: - Muốn biết một người thực hành Thiền có huệ, ta cần dựa vào các mặt:


 Về mặt Huệ, khi xem Kinh, xem Luận, vị đó lãnh hội dễ dàng nội dung lời Phật dạy trong Kinh, lời Tổ nói trong Luận. Vị đó thông suốt chân tánh hiện tượng thế gian như Tam Pháp Ấn, Tứ Pháp Ấn, hay Chân Như Tánh, Không Tánh, Pháp Tánh, và nắm vững 4 thứ trí trong pháp Tứ Đế, gồm Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí. Khi đối đầu những vấn đề phức tạp trong cuộc sống hàng ngày, vị đó giải quyết dễ dàng, có tính sáng tạo, sáng suốt và linh động. Vị đó không còn bị những kẻ xảo quyệt dùng lời khôn khéo hay lường gạt hay xúi giục để biểu lộ những hành động và lời nói gây phiền não và khổ đau cho người khác.


Nói chung, ở mức căn bản, người có huệ là người có kinh nghiệm vững chắc thấy biết như thật, nghe biết như thật, về đối tượng. Quán tính suy luận của trí năng không còn là một năng lực hùng mạnh bao vây tâm trí vị đó nữa. Trí năng đó thực sự tỉnh ngộ. Từ nơi tỉnh ngộ, vị đó không còn lầm lẫn về chân tánh hiện tượng, cũng không còn đánh giá sai lầm về đối tượng khi vị ấy có dịp tiếp xúc đối tượng.


 Về mặt tâm, khi một người có kinh nghiệm huệ người ấy tự nhận thấy tâm mình đằm lại. Nó có chiều sâu tĩnh lặng. Nó không còn lăng xăng, không còn thay đổi bất thường, không còn dính mắc những chuyện thị phi như người chưa giác ngộ Đứng trước cảnh, tâm không bị cảnh chi phối hay tác động. Tâm của vị ấy đã thực sự chuyển hóa. Dựa vào đó, ta biết người ấy có huệ.


Thí dụ 1:
Khi một người nói mình có huệ, mà trong lúc tiếp xúc với người khác, vị ấy có lời tuyên bố bất nhất. Đó là khi vui thì nói thế này, khi bực mình thì nói thế khác. Đấy là cảnh đã chi phối tâm vị ấy. Như thế nó không phản ảnh được thái độ trung thực của người có huệ Trí năng đã méo mó.


Thí dụ 2:
Khi có dịp tiếp xúc với kẻ gian ác, người có huệ phải nhận ra ngay những ý đồ đen tối của kẻ gian ác. Nếu không nhận ra mà còn tin tưởng kẻ gian ác, nghe theo lời kẻ gian ác, và làm theo lời kẻ gian ác để gây hại người khác, giao những công việc quan trọng cho kẻ gian ác, thì người này là người si mê chứ không phải là người có huệ.


Đặc biệt, huệ thường được thể hiện chung với Bi. Nghĩa là người có huệ phải thực sực có tâm bi. Do đó, khi một người tu thiền có huệ, tâm của người đó không còn đố kỵ, không còn ghen ghét, không còn dán nhãn, chụp mũ, không còn hận thù, không còn làm đau khổ người khác bằng lời nói hay hành động. Trái lại tâm của vị đó tiềm tàng tình thương mọi người mà không có sự phân biệt giai cấp, chủng tộc hay thành phần xã hội. Lời nói của người có huệ luôn luôn dịu hiền, hòa nhã, có đạo đức, không đượm màu sắc tranh chấp hay tranh giành ảnh hưởng, cũg không ẩn tàng những ý đồ gian ác, ngầm hại người hay nhục mạ người như kẻ phàm phu hay như người chưa giác ngộ.


 Về mặt thân, căn bản là thần sắc cá nhân người có huệ là trong sáng, gương mặt không u tối, không xanh xao hay không có vẻ bệnh hoạn. Phong thái đối xử hay giao tiếp với người khác là thanh thản, hồn nhiên và bình dị; không giả dối, không kiểu cách, không tự thần thánh hóa mình, cũng không có trước mặt tỏ vẻ tôn kính, mà sau lưng biểu lộ cử chỉ hay hành động khinh khi người khác.


Thầy kết luận:
Qua những biểu lộ cơ bản như trên, ta sẽ đánh giá được người tu thiền có huệ hay không. Chứ không phải dựa vào những điều người đó nói, người đó giảng, hay người đó trình kiến giải là đủ. Bởi vì gặp một người nói năng lưu loát, có khiếu viết văn, có khiếu làm thơ tướng mạo cân đối, dáng dấp chững chạc, lục căn đầy đủ trí năng bén nhạy, ta sẽ dễ phán xét sai lầm về mức độ hay thực chất huệ của người đó. Cho nên, ở trường hợp này, ta phải dựa trên thần sắc trong sáng, phong thái nói năng, tác phong giao tiếp của người đó khi người đó tiếp xúc với người khác, và đặc biệt nội dung phát biểu có méo mó hay thiên lệch hay không. Đây là những tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá mức độ huệ của một người.


Trích từ Bản tin sinh hoạt TRUNG TÂM THIỀN TÁNH KHÔNG,
tháng 11 năm 2001, trang 3 - 5