Tâm Đời - Tâm Đạo - Tâm Linh
(* bài này Thầy giảng khá dài, chúng tôi chỉ ghi lại một phần trong tiết mục Khai triển)
… Như chúng tôi đã nói, trước hết chúng ta cần biết: Tâm có mấy nhóm ? Ai là chủ thể của Tâm đó ? Để từ đó ta định hướng được rõ ràng về cách đi vào tâm linh.
Cũng như ở lớp Căn Bản, chúng tôi cho biết rằng con người có ba loại Biết. Muốn đi vào con đường Thiền đúng, người mới tu, cần nắm vững 3 loại Biết đó, để đi mà không sợ lạc. Cuộc đời quá ngắn. Ta cần đi thẳng. Ta không nên tu mò. Không nên đi lòng vòng. Bây giờ muốn đi vào Đường Tâm Linh, chúng tôi cũng vạch ra rõ ràng là con người vốn sở hữu 3 nhóm Tâm: Nói theo thực tiễn, đó là tâm đời, tâm đạo và tâm linh.
Con người ở đây là bao gồm tất cả hạng người trong thế gian: từ phàm phu đến bậc thánh, từ cư sĩ đến xuất gia không chuyên tu và xuất gia chuyên tu.
Xuất gia không chuyên tu là:
➢ Xuất gia mà còn sống chung với gia đình: bề ngoài thì cạo tóc, mặc áo tu sĩ; bên trong thì còn sinh hoạt nửa đời, nửa đạo, còn vướng mắc nhiều tình cảm gia đình.
➢ Còn đi làm việc ngoài đời để sinh sống.
➢ Còn dính mắc chuyện chánh trị, đấu tranh điên đảo.
Xuất gia chuyên tu là:
➢ sống tại Thiền Viện,
➢ có pháp tu với trọng tâm làm chủ tâm ngôn, có Thầy hướng dẫn,
➢ và đôi khi không tiếp xúc với ai, để lo chiến đấu với “cái Ta.” Dụng ngữ Thiền gọi là “miên mật chăn trâu.”
Mỗi nhóm chứa những mục tiêu, chí hướng, ước vọng, tham vọng, nguyện vọng, hoài bão, và những tác động-tác dụng khác nhau. Qua đó, chủ trương đường lối hay hành động, quan điểm, và kết quả cũng khác nhau. Người thường có tâm đời, tâm đạo thì luôn luôn đối lập với tâm linh. Ngược lại, người có tâm linh thì hài hoà với hai hạng người có tâm đời tâm đạo.
Chủ thể của tâm đời, tâm đạo là Phàm ngã hay Ta. Chủ thể tâm linh là Chân ngã hay Tự ngã thanh tịnh hoặc Tánh giác.
Tâm đời là tâm gì?
Đại cương, chúng tôi phân loại như sau:
Tâm đời là tâm thế gian, nó thường được hiểu là mang ý nghĩa phàm tục. Chỉ vì tâm đời vốn có sẵn hai đặc tính:
• một là nó mang tính dính mắc về đối tượng, vì bên trong nó tiềm tàng hai năng lực, Phật gọi là “kiến lậu” và “vô minh lậu.”
• hai là nó mang tính thích thỏa mãn những đòi hỏi của giác quan hoặc thỏa mãn những tình cảm riêng tư của cá nhân. Trong đó bề đáy của tâm này là tiềm tàng ham muốn, khao khát, hay khát ái liên hệ đến trong đời này và đời sau. Phật gọi những năng lực này là “dục lậu” và “hữu lậu.”
✓ đây là tâm của người còn đi làm việc trong nhiều ngành nghề để tạo ra cuộc sống lương thiện hay không lương thiện.
✓ hoặc là tâm của người có những sinh hoạt khác nhau trong nhiều lãnh vực chuyên môn như: văn hóa, chính trị, xã hội, quân sự, an ninh, kinh tế, thương mãi, canh nông, ngoại giao, quốc phòng, khoa học, y tế, nói riêng.
✓ còn nói chung là tâm của người còn có nguyện vọng, hoài bão, tham vọng để sống theo mô thức như thế nào đó, hoặc có gia đình hay chưa có gia đình, hoặc đi làm đủ thứ ngành nghề hay thất nghiệp, kể cả nghề làm tu sĩ mà không chuyên tu.
Nói chung, tâm đời là tâm của người còn sinh hoạt theo thế tục. Trong bản chất nó chưa được trong sạch. Nó luôn luôn dao động. Luôn luôn hướng ra ngoài để chạy theo dục lạc thế gian. Sống có ganh đua, có tranh giành, có đấu tranh, có chèn ép, có điên đảo, có đam mê dục lạc, có bay bướm, và có tính ích kỷ, có tính chỉ biết quyền lợi của mình, tập thể mình, dân tộc mình, mà không biết đến quyền lợi của người khác, tập thể khác, dân tộc khác. Phần lớn nó thiếu từ bi, thiếu tình thương, và thiếu trí tuệ sáng suốt để chỉ đạo hành động đi vào đường thiện.
Nội dung
Tâm đời luôn luôn tiềm tàng 4 nhóm:
▪ tập khí / lậu hoặc
▪ kiết sử
▪ tùy miên và
▪ nghiệp chướng
Đó là những đam mê ghiền nghiện thích thú của giác quan, mang từ di tử (genes) của ông bà cha mẹ, từ truyền thống gia đình, truyền thống giai cấp, truyền thống văn hoá, truyền thống tôn giáo… Những thứ đó kết hợp lại thành nghiệp chướng tốt hay xấu. Tốt thì mang lợi ích cho cá nhân, gia đình, xã hội, dân tộc và nhân loại. Xấu thì làm đau khổ cho chính nó, gia đình nó, nói chung là cho người khác, dân tộc khác.
Tóm lại bên trong tâm đời hàm chứa:
➢ cơ bản là tính đấu tranh giành giựt;
➢ ý chí hướng hạ thì nhiều, hướng thượng để tìm cầu giác ngộ thì ít;
➢ tinh thần cá nhân, bè phái thì nhiều, tinh thần xã hội, cộng đồng thì ít;
➢ tham thì nhiều, biết đủ thì ít;
➢ giận và thù hận thì nhiều, thông cảm, tha thứ với nhau thì ít;
➢ thiện ít, ác nhiều;
➢ tỉnh ít, mê nhiều;
➢ chánh niệm ít, tà niệm nhiều;
➢ như thật hiếm có, suy luận quá nhiều;
➢ rộng lượng bao dung ít, thẳng tay tiêu diệt nhiều;
➢ tha thứ thì ít, bắt lỗi bắt phải thì nhiều;
➢ chân thật, thành thật ít, điên đảo, gian xảo nhiều;
➢ gây gổ, bất mãn thì nhiều, đoàn kết, thuận thảo với nhau thì ít;
➢ đố kỵ, ganh tị thì nhiều, hoà hợp, hoà thuận thì ít;
➢ chỉ biết đến mình, không cần biết đến người khác thì nhiều, quên mình phục vụ người thì ít;
➢ vì danh, vì lợi thì nhiều, vì nhân nghĩa đạo đức thì ít;
➢ lợi người, vì người ít, lợi mình hại người nhiều;
➢ vô minh nhiều, có trí huệ ít;
➢ phục thiện thì ít, ngoan cố cứng đầu thì nhiều;
➢ bướng bỉnh, ương ngạnh nhiều, nhu hòa điềm đạm ít;
➢ tự cao, ngã mạn nhiều, tự trọng, không khoe khoang ít;
Thể hiện
Trong bản chất, tâm đời là tâm chưa hoàn toàn tỉnh ngộ. Nó chưa nhận ra chân tánh hiện tượng thế gian. Hay nếu có nhận ra, nhưng nó vẫn chưa sống được với chân tánh đó. Vì nó còn say mê 5 thứ dục lạc thế gian. Nó luôn luôn sử dụng ý thức, ý căn và trí năng để thực hiện các ý đồ, mưu đồ, các chương trình, kế hoạch phù hợp với quyền lợi riêng tư của nó hay để thỏa mãn các giác quan của nó. Trong nó vẫn tiềm tàng tập khí / lậu hoặc, nên khi nó thể hiện ra ngoài bằng lời nói, hành động, cử chỉ, nó thường biểu lộ những sắc thái:
➢ ích kỷ,
➢ chủ quan,
➢ khinh thường,
➢ thiếu thận trọng,
➢ thiếu cảnh giác,
➢ thiên lệch,
➢ méo mó,
➢ thiếu sáng suốt,
➢ vì quyền lợi của mình hơn là quyền lợi của tập thể, của cộng đồng hay của dân tộc.
Tác dung
Khi thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, tâm đời tuy có mang lại an lạc hạnh phúc cho cá nhân, cho gia đình, cho tập thể, cho phe nhóm, bè đảng, nhưng luôn luôn tạm bợ và có tính cách giai đoạn, chớ không lâu dài. Chỉ vì nó luôn luôn khai triển những năng lực của ý căn, ý thức, và trí năng để hành động. Cho nên hành động hay việc làm của nó luôn luôn dựa trên những sự trao đổi qua lại về các thứ quyền lợi.
Vì thế nó thường:
➢ mạnh đó, rồi yếu đó;
➢ hạnh phúc đó, rồi phiền não cũng đi theo sau đó;
➢ giàu có đó, rồi đau khổ cũng đi theo sau đó;
➢ chánh nghĩa đó, rồi phi nghĩa cũng đi theo sau đó.
Chủ thể:
Tâm này do cái “Ta” hay tự ngã cầm đầu. Có khi nó cũng làm tốt, nhưng nặng về phước hữu lậu, không nặng về tâm linh. Vì nó có tập khí, thí dụ tập khí thích được đề cao. Thí dụ nó thấy Thầy TT muốn lập Thiền viện, nó cúng dường tiền mà bản thân không lo tu. Đó là phước hữu lậu. Nói chung nó cũng tốt chứ không phải không. Đó là nó có tâm đạo, nhưng không khai triển được tâm linh.
Kết quả
Phần lớn tâm đời mang lại:
➢ an lạc thì ít, mà phiền não khổ đau thì nhiều;
➢ thanh thản, khỏe mạnh thì ít, mà rối rắm, bệnh tật thì nhiều;
➢ tình thương thì ít, mà thù hận thì nhiều;
➢ hoà bình thì ít, chiến tranh thì nhiều;
➢ sáng suốt thì ít, cố chấp thì nhiều;
➢ phục thiện thì ít, bướng bỉnh và ngoan cố, ương gàn thì nhiều;
➢ cuối cùng là đưa đến luân hồi sanh tử triền miên.
➢ Vì với tâm đời ta ghi đậm nét thêm tập khí / lậu hoặc trong nghiệp thức của ta. Chính nghiệp thức đó đưa ta tái sanh triền miên trong 6 cõi.
Kết hợp
Tâm đời luôn luôn kết hợp 4 nhóm: ý căn, ý thức, trí năng và “cái ta” là nhóm đầu sỏ. “Cái Ta” điều động 3 nhóm kia để thực hiện những mưu đồ, ý đồ, với mục tiêu là phục vụ cho nó, gia đình nó, cộng đồng nó, giai cấp nó, bè đảng nó, dân tộc nó. Nó luôn luôn mang tính tranh giành, đấu tranh, ích kỷ, mà Đức Phật gọi là “chấp ngã” và “khát ái” . Ba ý niệm “của tôi,” “vì tôi,” và “cho tôi” luôn luôn hiện hữu trong tinh thần chấp ngã, chấp kiến mà đầu mối là khát ái.
Tâm đạo là tâm gì?
Đại cương, chúng tôi phân loại như sau:
Tâm đạo được chia làm 3 nhóm:
1.Nhóm hướng về tôn giáo:
Đây là tâm:
➢ hướng về một đấng nào đó trong thế giới siêu hình để ta nương tựa, hoặc có nguyện vọng tái sinh vào cõi đó;
➢ thường nghiêng về cầu nguyện, cầu xin những đấng trong thế giới siêu hình để được ban phước, ban ơn, ban cho sự may mắn; phù hộ cho tai qua nạn khỏi; trong nhà trong cửa được êm ấm, và cá nhân được chữa khỏi bệnh…
➢ Trong tâm này thiện ác lẫn lộn. Thiện thì không quá khích, không gây máu đổ, có thái độ phục vụ tha nhân cụ thể. Ác thì quá khích, cực đoan, độc tài, đưa đến chiến tranh tôn giáo: giết người không chút động tâm. Gây đau thương tang tóc, ghê sợ, và hận thù triền miên.
➢ Có những hành động cuồng tín, tàn sát, tự sát tập thể.
2. Nhóm hướng đến thiện, thích xây dựng phước hữu lậu.
Đây là tâm:
➢ Thích tránh ác, làm lành, lánh dữ;
➢ Có từ bi, hỉ xả, nhưng giới hạn;
➢ Có tinh thần phục vụ tha nhân;
➢ Thích làm việc phước thiện: cúng dường, bố thí, cứu trợ, cứu giúp, nhưng dựa trên tình cảm chủ quan; đôi khi thiếu trí huệ trong đó.
3. Nhóm hướng đến mục tiêu cao cả: giác ngộ và giải thoát.
Đây là tâm:
➢ Không xây dựng phước hữu lậu; trái lại xây dựng phước vô lậu; bố thí, cúng dường trong tinh thần “tự ngã thanh tịnh.” Thuật ngữ gọi tinh thần này là “Vắng lặng 3 việc bố thí” tức “Tam luân không tịch” hay “3 việc bố thí đều là thể không,” tức “Tam luân thể không.” Đó là:
✓ Tâm không mong cầu phước báu khi bố thí.
✓ Tâm không lấy làm hãnh diện, kiêu căng, thỏa mãn, khi bố thí người khác.
✓ Tâm không đắn đo, tiếc rẽ, lựa chọn đồ vật khi bố thí người khác.
Nội dung
Như tâm đời, bên trong tâm đạo cũng tiềm tàng các tập khí / lậu hoặc, kiết sử, tùy miên, và nghiệp chướng. Nhưng nó được thể hiện dưới dạng không phàm tục như tâm đời.
Thí dụ, nó lập nơi thờ phượng, cúng bái. Nó khuyên mọi người làm lành lánh dữ, gần thiện, xa ác. Nhưng nhiều khi vì lợi ích riêng tư, và dựa theo sự mê tín của con người, nó ngụy trang những hình thức linh thiêng, những phép lạ kỳ diệu, hay những điềm lạ để lôi cuốn con người theo mục tiêu nó nhắm đến. Vì thế, trong tâm đạo, nó vẫn chứa 2 mặt đối lập:
➢ thiện nhiều, ác không;
➢ nhưng nếu vì cuồng tín thì không thiện, ác nhiều: chẳng từ bi, chẳng tình người;
➢ tỉnh ít, mê nhiều;
➢ chánh niệm ít, tà niệm nhiều;
➢ rộng lượng, bao dung ít, thẳng tay tiêu diệt nhiều;
➢ chân thật ít, điên đảo nhiều;
➢ như thật ít, suy luận nhiều;
➢ thành thật ít, gian xảo nhiều;
➢ lợi người, vì người ít, lợi mình, hại người nhiều.
Thể hiện
Tâm này cũng do cái “Ta” làm chủ thể. Nó chưa hoàn toàn thanh tịnh, chưa hoàn toàn tỉnh ngộ. Nó còn say mê dục lạc thế gian, tuy những dục lạc này không thô như tâm đời, nhưng vẫn là dục lạc. Vì nó vẫn được đặt trên những cơ sở: tham vọng, ước vọng, nguyện vọng, hoài bão để đạt được điều gì.
Thí dụ:
Nó chưa nhận ra chân tánh hiện tượng thế gian. Hay nếu có nhận ra, nhưng nó vẫn chưa sống được với chân tánh đó. Nó luôn luôn sử dụng ý thức, ý căn và trí năng để thực hiện các ý đồ, mưu đồ, các chương trình, kế hoạch với chủ đích đạt được tham vọng, ước vọng, nguyện vọng, hoài bão.
Và vì thế, nó khó có thể tránh những hành động thô bạo, tàn ác, khi nó cần triệt tiêu:
➢ những người không cùng chí hướng với đạo của nó.
➢ hoặc chống đố, bôi bác, dựng đứng những chuyện không có hay ngầm hại người đả kích: hoặc người vạch trần những chủ trương, đường lối sai lầm và gạt gẫm của nó.
Tâm Linh là tâm gì?
Thầy nói: - Để làm rõ nghĩa tâm linh, chúng tôi so sánh như sau:
• Trong lúc tâm đời và tâm đạo đều mang tính dính mắc và bên trong hai thứ tâm đó đều tiềm tàng tham vọng, nguyện vọng, ước vọng, hay hoài bão thì tâm linh chẳng dính mắc gì trong đó.
• Chỉ vì cả hai thứ tâm đời và tâm đạo đều do “cái Ta” làm chủ thể. Bên trong nó vốn đã có sẵn 4 năng lực: tập khí / lậu hoặc, kiết sử, tùy miên, và nghiệp chướng. Còn tâm linh chẳng có tất cả những thứ đó. Vì trong nó, không có ai làm chủ thể. Nhưng để giả lập chủ thể của tâm linh, các nhà Phật giáo Phát triển gọi là “tự ngã thanh tịnh,” hoặc “chân ngã.” Còn Phật thì nói: “Trong thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết, nhận thức biết, chỉ là thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết, nhận thức biết. Trong đó không có “Ta.” (Kinh Bàhiya)
• Tâm đời và tâm đạo dựa trên 3 nhóm ý căn, ý thức, và trí năng để đạt được nguyện vọng, hoài bão và tham vọng to lớn; trong lúc đó tâm linh dựa trên cơ sở tánh giác để phát huy những năng lực từ bên trong cơ chế tánh giác.
• Tâm đời và tâm đạo còn vướng mắc thế gian, tâm linh vượt qua thế gian, nhưng vẫn ở trong lòng thế gian.
Chưa đủ
Nhưng như thế cũng chưa đủ, chúng ta cần hiểu biết thêm về 5 thứ nữa:
1. Chức năng:
Chức năng của tâm linh gồm:
▪ Sáng tạo.
▪ Tạo ra những sáng kiến mới.
▪ Sáng đạo nằm trong tâm linh.
▪ Sự ngộ đạo bắt đầu từ tâm linh.
▪ Sự chứng đạo cũng do tâm linh.
▪ Sự giải thoát được đặt trên cơ sở tâm linh.
▪ Trực giác.
▪ Thấu cảm.
▪ Linh tính.
▪ Cảm nhận từ xa…
2. Đặc tính:
Đặc tính của tâm linh gồm:
▪ Tâm của bậc thánh, tức tâm trong sạch, tâm không dính mắc đối tượng.
▪ Không ganh đua.
▪ Không khen mình, chê người.
▪ Không chủ quan.
▪ Không bảo thủ quan điểm (không chấp kiến, không chấp ngã).
▪ Không ương gàn.
▪ Không tranh luận hơn thiệt, phải trái với ai, nhưng trực tiếp và tức khắc biết phải, trái, tốt, xấu, chánh, tà, thiện, ác.
▪ Trong nó không có “tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm tương lai.”
▪ Trái lại chỉ có tâm bây giờ và ở đây.
▪ Nhận thức cô đọng và không lời.
▪ Kiến giải tổng quát qua 6 căn.
▪ Không có tác ý đến 1 trong những mục tiêu:
o ham nuốn,
o nguyện vọng,
o tham vọng,
o uớc vọng hay
o hoài bão.
3. Nội dung
Trong tâm linh không có tập khí / lậu hoặc, kiết sử, tùy miên, và nghiệp chướng. Trái lại trong nó vốn tiềm tàng những năng lực:
▪ tiềm năng giác ngộ, tức Phật tánh,
▪ tính sáng tạo
▪ từ bi và trí tuệ vốn có sẵn trong tâm linh.
4. Thể hiện
Tính sáng tạo vốn tiềm tàng trong tâm linh, nhưng ta không biết cách khai thác. Muốn khai thác, ta phải thông qua những nguyên tắc của Định và Huệ. Vì vậy, chức năng của tâm linh là giúp ta khai thác năng lực sáng tạo. Chính năng lực đó cải tạo môi trường sống cá nhân và phát triển môi trường sinh hoạt xã hội bằng những kiến thức mới, những năng lực mới, những phát minh mới.
5. Sự khác nhau rõ ràng:
Ngoài chức năng, đặc tính, nội dung và sự thể hiện của 3 thứ tâm đời, tâm đạo và tâm linh, có một phần khác nhau rõ ràng nhất, nhưng ít người để ý tới . Đó là:
▪ Tâm đời và tâm đạo được khai triển từ vùng tiền trán 2 bán cầu não trái và phải qua cơ chế nói từ vùng Broca và vùng thân thọ.
▪ Trong lúc đó tâm linh được khai triển từ vùng kiến giải tổng quát, phía sau bán cầu não trái thuộc 3 thùy: thùy chẩm liên hệ đến tánh thấy, thùy thái dương liên hệ đến tánh nghe, thùy đỉnh liên hệ đến tánh xúc chạm.
Đường vào tâm linh qua Phật Thích Ca là gì?
Thấy nói:
Trước hết chúng ta cần định nghĩa rõ từ “Đường vào.” Từ này có nghĩa bằng cách gì để chúng ta đi vào cửa Tâm linh. Cho nên, ở đây, “đường” có nghĩa là “cách làm” hay “phương pháp ứng dụng” hay “kỹ thuật thực hành.” Nghĩa là chúng ta áp dụng phương pháp hay kỹ thuật gì để tác động vào tâm linh?
Xác định cho rõ
Ở đây chúng ta cần xác định cho rõ: đường vào tâm linh không phải là cách chúng ta từ bỏ tâm đời, tâm đạo. Trái lại, chúng ta vẫn còn sống trong đời, vẫn còn giữ những cách tín
ngưỡng theo đạo của mình, nhưng chúng ta có khả năng cô lập hai thứ tâm đó để chúng ta khai triển tâm linh, bằng phương thức thực hành Thiền Định hay Thiền Huệ.
Nhưng điều cần đặt ra là:
Thế nào gọi là qua Phật Thích Ca?
Đó là chúng ta dựa theo Pháp của Phật. Vì Phật đã thành đạo, và đã truyền dạy Pháp đó. Pháp đó được ghi trong hệ kinh Nikāya. Muốn đi vào tâm linh, ta cần nắm vững Pháp đó. Mặc dù trên đường đi vào tâm linh, ta cũng có thể theo Pháp của chư Tổ, nhưng vì trong nội dung bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến Pháp của Phật Thích Ca…
Trích từ Bản tin sinh hoạt TRUNG TÂM THIỀN TÁNH KHÔNG,
tháng 1 & 2 năm 2006, trang 9 - 14