Chân Như, Không, và Huyễn




“Giáo huấn của Đức Phật liên quan đến việc tu tập về Tánh Không chính là cốt lõi của toàn bộ giáo huấn Phật Giáo. … Thực hiện được Tánh Không có nghĩa là thoát khỏi mọi sự bám víu vào các sự vật để xem đấy là ‘cái tôi’ hay cái ‘của tôi’ … Cũng chính vì thế mà tôi mong rằng quý vị hãy xét lại xem tại sao lại phải quan tâm đến Tánh Không đến thế, và cũng nên tự hỏi xem đấy có đúng là chủ đề duy nhất xứng đáng để đem ra học hỏi hay không?” (Buddhadasa Bhikkhu - Hoang Phong chuyển ngữ) (1)

Sau hơn một tuần học liên tục không mệt mỏi, tất cả anh chị em thiền sinh sẵn sàng thực hiện công việc tổng kết lớp học. Ngày 21 tháng 4 năm 2013 là ngày cuối cùng của khoá học Trung cấp 3 Bát nhã, do Ni sư Triệt Như dạy tại Sacramento. Lớp trưởng thay mặt tất cả thiền sinh trình bày bài tổng kết. Sau đó, một số thiền sinh lần lượt lên phát biểu ý kiến cá nhân và cuối cùng là phần văn nghệ bỏ túi.

Điều tỏ bày đầu tiên là lòng cảm ơn công đức vô lượng của thiền sinh đối với Ni sư, trong suốt khoá học, đã tận tâm giảng dạy những bài học quá hay, rất ý nghĩa và vô cùng lợi lạc. Tiếp theo là phần khái quát về lớp học và tóm tắt nội dung theo thứ tự các bài đã được giảng dạy. Qua đó, thiền sinh ghi nhớ những điểm trọng yếu và ý nghĩa của các chủ đề trong khoá học, nhất là những lời dạy căn bản của thầy Thiền chủ qua các bài học và những lời nhắn nhủ sâu sắc của Ni sư.

Đây là một lớp học rất đáng nhớ. Lớp có sĩ số thiền sinh đông nhất, lớp có trình độ cao nhất của hệ Bát nhã từ khi Thiền Tánh Không được giới thiệu và giảng tại Sacramento. Các lớp cao hơn nữa như Trung cấp 4 Bát nhã, các lớp Tâm lý học Phật giáo, Kinh Nguyên thuỷ và Giáo thọ được dạy tại Thiền Viện.

Mặc dầu thời tiết khá gay gắt, bên ngoài trời nóng và bên trong lớp học hơi chật, nhưng thật cảm động, các bài giảng của Ni sư lúc nào cũng rõ ràng, hấp dẫn, nội dung bài học lại quá hay, cho nên anh chị em thiền sinh, ngày nào cũng như ngày nào, học rất chăm chỉ và nghiêm túc. Không khí lớp học, vì thế, vừa thân thương vừa ấm áp trong suốt cả khoá học. Điều này đã khích lệ thiền sinh thêm gắn bó với Pháp môn, với đạo tràng và với Ni sư.

Lớp học 8 ngày, gồm có 38 thiền sinh chính thức và 12 thiền sinh dự thính, tất cả đi học đều đặn từ ngày đầu cho đến ngày cuối trong tinh thần vui vẻ, ngưỡng mộ và biết ơn Ni sư. Đặc biệt trong số này, có 3 thiền sinh từ tiểu bang xa Virginia và Maryland về tham dự. Cũng như nhiều lớp do Ni sư dạy từ mỗi năm qua, thiền sinh càng học càng yêu thích những bài học, qua thực tập đã thấy được sự chuyển hoá trong chính thân tâm mình và nơi bạn mình, nên đã không tiếc lời tán thán Pháp môn Thiền Tánh Không và công đức của Thầy Thiền chủ, Ni sư và thầy Không Chiếu. Quả thật, thiền sinh đã may mắn có một vị giáo thọ biện tài là Ni sư, có kỹ năng sư phạm vững chắc, đã đem hết tâm đức, trí tuệ để hướng dẫn cho thiền sinh thật khoa học, tỉ mỉ và rất rõ ràng con đường thực hành của Thiền Tánh Không. Con đường mà thầy Thiền chủ đã tìm ra cách mượn khoa học Não bộ để giải thích và làm sáng tỏ những gì xảy ra trên phương diện tâm sinh lý và hoá học trong lúc thực hành Thiền để dẫn dắt thiền sinh đi từng bước đúng theo con đường Đức Phật đã đi qua.

Nói chung, khoá học thành công do nhiều duyên hợp. Trước hết, lòng tương kính, vui vẻ, hỗ trợ nhau trong sinh hoạt tu học là một cảm niệm quý hoá đối với tất cả anh chị em thiền sinh. Địa điểm lớp học có ý nghĩa như một mái ấm Tâm linh. Là một duyên lành, đây là căn nhà riêng của thiền sinh được dùng tạm thời không hạn định làm nơi sinh hoạt mỗi tháng và nơi tổ chức các khoá tu học cho đạo tràng. Tinh thần của anh chị chủ nhà luôn luôn cởi mở và ân cần, mỗi ngày chăm sóc vun bón cây lá trong vườn càng thêm xanh tươi, phảng phất hương thiền. Ban ẩm thực chu đáo và đều đặn lo những bữa ăn nhẹ, ăn trưa ngon miệng, thật cảm động. Hai thành viên trẻ của đạo tràng nhận lãnh lo chỗ ăn ở tại nhà và phương tiện đưa đón Ni sư mỗi ngày, không những khoá học năm nay mà nhiều khoá học trong các năm trước là một đóng góp không nhỏ trong việc hoằng pháp của Ni sư tại Sacramento. Việc góp phần hộ thất, còn có hai anh chị thiền sinh sẵn lòng đón tiếp các thiền sinh từ xa đến ở lại nhà trong thời gian tham dự khoá học. Hai thiền sinh giúp in rất nhiều copies miễn phí để làm tài liệu cho tất cả thiền sinh trong cả hai khoá học vừa qua. Cuối cùng là ban điều hành đạo tràng cùng các anh chị thiện nguyện luôn có mặt trong khoá học với tinh thần trách nhiệm, chăm lo việc ổn định, tổ chức những buổi học và làm vệ sinh lớp học mỗi ngày rất chu toàn. Tất cả những công đức đóng góp được ghi nhận trong lòng mỗi anh chị em thiền sinh.

Chương trình học gồm: ôn bài cũ với Nhận thức, Như thật, Chân như và phần trọng tâm khoá Trung cấp 3 Bát nhã với Tổ Bồ đề Đạt ma, Vô Tâm trong Thiền, Ba la Mật, Thập địa Bồ tát, Chân như, Không và Huyễn.

Bắt đầu phần ôn, Ni sư cho học lại rất kỹ bài “Tiến Trình Tu Chứng của Đức Phật”. Đây là một cách khẳng định chủ trương của Thiền Tánh Không là đi theo đúng con đường của Đức Phật đã dạy. Bài “Từ Như thật đến Chân như”, Ni sư dạy rất hấp dẫn, qua đó, “Nhận thức” được xác định là bài học rất quan trọng trên con đường Thiền. “Bản đồ Nhận thức” là kim chỉ nam cho người thực hành Thiền. Phải thực tập để cất giữ “Nhận thức không lời” vào ký ức cho đến khi nó nội tại trong vùng “Precuneus” của Não bộ, người thực hành Thiền mới có thể thực tập để thể nhập “Chân như, Không, và Huyễn”. 

Như thật hay yathàbhùta là một pháp thực tập để đạt cái Biết và Thấy thật tướng-thật tánh của vạn pháp, tức hiện tượng thế gian, ngay trong giây phút “bây giờ và ở đây”. Thấy như thật tức là thấy chứ không suy luận. Đó là giây phút “thời gian và không gian gặp nhau” ngay khi “giác quan tiếp xúc với đối tượng” để nhìn thấy cái đang là của đối tượng qua “phản xạ giác quan”. Cách thực tập này sẽ giúp Tâm yên lặng, có cái nhìn khách quan. Thực hành pháp Như thật, người thực hành sẽ nhận ra tương quan hai chiều giữa giác quan và đối tượng qua “phản xạ giác quan” và “phản xạ thụ động”; từ đó, nhận ra con đường từ “Như thật đến Chân như” phải thông qua “Bản đồ Nhận thức”.

Chân như hay tathatà là cái như thế của vạn pháp, tức hiện tượng thế gian. Nó là “cái bề ngoài khách quan, cái tinh tuý” của vạn pháp. Chân như là “cái không tên, không màu sắc, không phẩm chất, không thuộc tính” của hiện tượng thế gian. Nó có ở khắp nơi, bao trùm khắp nơi. Khi có “Nhận thức không lời về Chân như”, có nghĩa là Chân như đã được cất giữ trong vùng “Nhận thức không lời” (Precuneus). Thiền giả tiếp tục thực hành, dùng kỹ thuật “gợi lên” để vào Định vững chắc hơn, tiếp xúc với nó sâu sắc hơn, đi đến nhất như với nó, tức là thể nhập Chân như, đạt được “Chân Như Định”. Lúc này, người thực hành thiền, qua “phản xạ thụ động” nhìn thấy hiện tượng thế gian là cái như thế.

Nhận Thức là phương tiện để sống trong đời thế tục. Trên con đường tâm linh, chính Nhận thức không lời là phương tiện duy nhất để thể nhập Chân Như, Không và Huyễn.

Theo Ni sư, có thể xem Nhận thức như một dòng sông bên dưới mặt đất. Từ dòng sông này sẽ nẩy sinh muôn loài, cây cỏ … làm thức ăn, nhà cửa cho đời sống thế tục. Với tâm linh, chính dòng sông này tạo nên tất cả các thứ nghiệp chướng và sinh tử luân hồi, nếu nó lọc qua “tầng đất Vô minh”; và chính dòng sông này cũng phát sinh ra trí huệ, từ bi hỷ xả nếu nó lọc qua “tầng đất Chánh kiến.” Có nghĩa là, chính “Nhận thức” là nguồn cội của khổ đau, sinh diệt và cũng là nguồn cội của Trí tuệ, Giải thoát, Niết bàn.

Học và tu tập pháp môn Thiền, người thực hành không thể không biết đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ngài là người Nam Ấn, vị tổ thứ 28 của Ấn độ, đã qua Trung Hoa và trở thành vị tổ thứ nhất, mở đầu lịch sử Thiền tông Trung Hoa. Ngài sinh và tịch diệt vào khoảng thế kỷ thứ 5 và 6 Tây lịch. Ngài là vị Tổ khai sáng phương pháp “Tu thẳng” tức Tối thượng thừa Thiền. Với phương pháp “Tu thẳng” này, lịch sử của Tổ mang rất nhiều huyền thoại và các tài liệu ghi chép đôi khi có những điểm khác nhau. Có bốn câu kệ rất nổi tiếng của Tổ hiện vẫn đang còn truyền tụng đã làm khởi sắc và hưng thịnh dòng Thiền Trung Hoa cho đến nay: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhơn tâm, Kiến tánh thành Phật”. Thông điệp này đã cho thấy nguyên tắc cơ bản của Thiền Tông là Kiến tánh, tức đi đến nơi tối hậu của con đường thoát khổ, giác ngộ và giải thoát, tức thành Phật. Từ sau đó, Kiến tánh đã trở thành chủ đề cốt lõi trong lịch sử phát triển Tổ sư Thiền của Thiền tông Trung Hoa. Câu chuyện nổi tiếng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma và vua Lương Vũ Đế cũng cho thấy tư tưởng Không trong Thiền của học thuyết Bát nhã là vô cùng quan trọng. Vua Lương Vũ Đế trị vì nước Lương (Nam triều của Trung Hoa) trong 48 năm đã áp dụng giáo lý nhà Phật để chăn dân với hạnh Bồ tát. Khi có dịp được gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma, nhà vua đã hỏi: “Từ ngày lên ngôi đến nay, trẫm cất chùa, chép kinh, độ tăng … không biết bao nhiều mà kể xiết, như vậy có được công đức gì không?” Tổ trả lời: “Chẳng có công đức gì cả! Chỉ là hữu lậu, tuy có nhưng không thực. “Biết” phải thanh tịnh, diệu và tròn đầy. Thể của nó là Không. Ta không thể đạt được công đức như thế bằng phương tiện thế gian.” Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng đã sáng lập nên môn phái Thiếu Lâm và đã trải qua 9 năm tại Thiếu Lâm Tự, ở nước Nguỵ. Thời gian này, Tổ thường toạ Thiền quay mặt vào vách. Cho đến nay, tên tuổi của Tổ Bồ Đề Đạt Ma được giới Thiền học Đông cũng như Tây phương và giới Võ Lâm thế giới vẫn nhắc đến với hết lòng tôn kính. Sau đó, Ngài đã ngồi an nhiên thị tịch tại Chùa Thiên Thanh ở Võ Môn, vào năm 529 Dương lịch. Cho đến nay, ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, Tổ Bồ Đề Đạt Ma là khuôn mặt vĩ đại đối với nền Thiền học và văn hoá Phật giáo tại các nước này.

Vô tâm trong Thiền là mục tiêu dạy Thiền của Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Muốn hiển thị Đạo không lời, Tổ đưa ra ví dụ về mẫu chuyện vấn đáp giữa hai thầy trò, nhằm giúp người tu nhận ra tác dụng thâm sâu của “không lời” qua cách chỉ bày tác dụng của “Vô tâm”. “Vô tâm” không phải là “vô cảm”! Vô tâm là Chân tâm, Chân tâm là Vô tâm. Làm thế nào tự mình rèn luyện để đạt được “Vô tâm”? Chỉ cần tỏ ngộ (be awakened to) “Vô tâm” trong tất cả pháp, trong tất cả việc làm! Khi “Vô tâm” được ngộ, vạn pháp không còn quấy nhiễu. Với Pháp này, Tổ hướng dẫn người tu đạt được Tâm như, tức Tâm tathà qua phương thức “không lời”. Trong Thiền Tánh Không, thầy Thiền chủ áp dụng pháp “Vô tâm” để dạy thiền sinh qua cách Không tác ý tất cả tướng, tức là nhìn hiện tượng thế gian bằng cái thấy “Như thật – Như vậy” trong Bốn oai nghi. Đây chính là “Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền” hay “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền” của Thiền sư Trần Nhân Tông. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng dạy: “Không suy nghĩ về tất cả, đó là Thiền”, hay: “Giáo là lời – Đạo là không lời”, “Ngay nơi ngươi đạt cái không lời, ngươi đạt Đạo.” Đạo đây là đạt “Tối thượng thừa Thiền” hay “Như Lai Thanh tịnh Thiền.” Nó chính là Chân như. Khi chứng ngộ được “Vô tâm”, tất cả nghiệp chướng của chúng sanh đều tan biến.

Ba la mật hay Pàramità là pháp tu rốt ráo. “Ba la mật” tức “Đáo bỉ ngạn” là đến “bờ bên kia”, tức bờ giải thoát. Người đáo bỉ ngạn là người đạt được trí tuệ kiện toàn, đã ở trong trạng thái Niết bàn, được sự giải thoát tối hậu. Chân như, Không và Huyễn là nền tảng để hình thành trí tuệ Bát nhã Ba la mật. Trên phạm vi Thiền Phật giáo gồm chung 4 hệ: Nguyên Thuỷ, Trưởng Lão Bộ, Phát Triển và Thiền Tông, Ba la mật là “đức hạnh kiện toàn” hay “siêu việt” của người áp dụng nó để nhắm phát triển tâm linh qua các giai đoạn tu tập theo từng Ba la mật. Trên con đường Tâm linh, Chân như là một thực tại tối hậu mà người tu Ba la mật phải thể nhập. Như vậy, bằng một trong các Ba la mật, người tu có khả năng đến “bờ bên kia” hoặc trong kiếp này hay nhiều kiếp khác, tuỳ theo tác dụng của các loại Ba la mật trong “10 Ba la mật” hay “6 Ba la mật”. Trong số các Ba la mật, Thiền định và Trí huệ là hai Ba la mật có tác dụng trực tiếp đến thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của người thực hành. Trong Thiền Tánh Không, về Trì giới Ba la mật, thầy Thiền chủ thường dạy: “Giữ cái Biết không lời tức là giữ giới thể” và “Giữ được cái Biết không lời trong mọi lúc, tức là Trì giới Ba la mật”. Như vậy, thực tập giữ cái “Biết không lời” để đi đến “Nhận thức không lời” là giữ được tất cả các giới luật của Phật dạy. “Giới tướng” rất quan trọng, nhưng “giới thể” mới chính là nguồn cội của “giới tướng”. Thật ra, khi thực hành có kinh nghiệm Định, vào Định sâu rồi, thì không phạm giới. Chính sự dụng công để vào được Tánh giác, hoặc cao hơn, vào được Tâm tathà thì không thấy giữ giới là một việc khó khăn!

Không tức Tánh không hay Sùnyatà là một trong ba chủ đề lớn trong hệ Bát nhã, hai chủ đề kia là Chân như và Huyễn. “Không” là bản thể tuyệt đối của tất cả hiện tượng thế gian. “Không” là sự trống không, tức “emptiness”. Nó vô danh và vô tướng. “Không” là một trong ba khái niệm quan trọng nhất trong giáo lý Bát nhã. “Tánh Không” hay “Chân như” là đối tượng của “Nhận thức không lời.” Atakkàvacara là trạng thái mà Phật đã chứng nghiệm “ngoài lý luận”, trong đó không có ngã, không có ý thức, không có đối tượng, không có tư duy biện luận. Nó là Pháp bảo vô giá trong kho tàng hệ Nguyên thủy. Bằng “Nhận thức không lời”, người thực hành sẽ mở được cánh cửa của phương thức “ngoài lý luận”. Hệ Phát triển cũng dựa vào “Không” để khai triển thành một bộ Kinh bằng thi kệ đồ sộ - trên 600 quyển gọi là Bát nhã Ba la mật đa, phần ngắn nhất là Bát nhã Tâm kinh. Phật dạy muốn đạt đến “Không Định” thì phải thực hành “Không tác ý”. Ngài Long Thọ nói: “Người nào hoà nhập vào Không là hoà nhập cùng vạn pháp”. Trong Thiền Tánh Không, thầy Thiền chủ dạy dùng phương pháp “Không nói thầm trong não”. Muốn thể nhập “Không Định”, hãy dụng công để chủ đề “Không” nội tại trong “Nhận thức không lời.”

Huyễn hay Màyà là không thực, là hư ảo, là sự thay đổi không bao giờ dừng của hiện tượng thế gian. Nếu không hiểu vạn pháp là vô thường, “Huyễn” là tác nhân của “bốn điên đảo”: trong vô thường tưởng là thường; trong vô ngã tưởng là có ngã; trong đau khổ tưởng là hạnh phúc; trong bất tịnh cho là tịnh. “Huyễn” là con đường ngắn nhất để người tu tập thoát khỏi dính mắc. “Huyễn” là khí giới cuối cùng Phật đưa ra để chúng ta biết mà buông bỏ phương tiện để đi đến chỗ rốt ráo. Khi nhận ra vạn pháp đều huyễn, chúng ta sẽ hiểu rõ chính mình là vô ngã, từ đó Tâm không còn dính mắc nữa. “Huyễn” là chủ đề ngang với “Chân như” và “Không” ở mặt nó là công cụ tu tập để đi đến chỗ giải thoát Tâm. Tuy vậy, “Huyễn” khác với “Chân như” và “Không” ở chỗ, “Huyễn” không phải là một thực tại của hiện tượng thế gian (httg), mà nó chỉ là một khái niệm mà bậc giác ngộ nhận ra và chỉ dạy lại cho chúng ta. Khi có hiện tượng thế gian thì mới có huyễn; khi không có hiện tượng thế gian thì không có huyễn. “Huyễn” là “hữu vi pháp”. Khi “Thể nhập Huyễn” gọi là “Như Huyễn Tam Muội”. Huyễn cần thiết cho người phát tâm thực hành Bồ tát đạo. Khi thể nhập “Huyễn”, nhận ra hiện tượng thế gian đều “Như huyễn” thì chúng ta có thể nhận ra được “Như thế / Như vậy” của hiện tượng thế gian.

Như thật và Như huyễn là hành trang người thực hành Thiền cần mang theo khi đi trên đường đời và đường tâm linh. Như thật cho chúng ta cái nhìn khách quan. Như huyễn giúp chúng ta bình an trước thành công hay thất bại. Sống trên đời mà đi trên dòng đời, chứ không bị dòng đời cuốn chìm đi.



Trong phần bài dạy tổng kết toàn chương trình của khoá học kéo dài suốt ba buổi, có một lời dặn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của Ni sư đã ghi rất đậm trong tâm mỗi thiền sinh. Ni sư nói: “Mỗi thiền sinh hãy chấn chỉnh và dụng công đều đặn việc toạ thiền, thực hành bốn oai nghi và tập khí công. Đó là phong thái của người học Thiền đã lâu năm. Kết quả, thân tâm đều khoẻ, hài hoà và an lạc.”

Về hai bài tổng kết cả sáng và chiều thứ bảy, Ni sư đã trỉnh bày trên bảng cho thiền sinh hai sơ đồ thật diệu dụng. Ni sư nói, đó là một dòng Tâm tương tục của người thực hành Thiền đi từ lớp Thiền Căn Bản, qua lớp Trung cấp 1 Bát Nhã, lớp Trung cấp 2 Bát Nhã, đến nay là lớp Trung cấp 3 Bát Nhã. Đó là con đường của người mới bắt đầu vào Thiền, từ lúc sơ cơ cho đến mục tiêu cuối cùng, là con đường Ba la mật để hướng đến Quả vị Phật. Từ một người phàm phu, với “Tâm nhị nguyên” đầy lậu hoặc, kiết sử, tuỳ miên, lăn quay trong sinh tử luân hồi … gặp Phật Pháp, qua thực hành 4 phương thức Quán, Chỉ, Định, Huệ, có thể từ “Bíết có lời” chuyển sang “Biết không lời” và nhận ra được tánh giác của chính mình. Biết dụng công tu tập đều đặn và miên mật để phát triển hoạt động của tánh giác, người thực hành sẽ đạt được “Nhận thức không lời”, có “cái thấy biết Như thật” và có được “Tâm khách quan”, từ “có Ngã” sẽ trở thành “vô Ngã” đạt được “Chánh niệm tỉnh giác.”

Đặc biệt, cách trình bày bằng sơ đồ trên bảng với những giải thích rõ ràng đã cho thấy khả năng sư phạm và trí tuệ của Ni Sư khi hướng dẫn thiền sinh tiếp tục tiến lên trên con đường Tâm linh theo gót chân Phật. Qua sơ đồ, từng bước rất rõ, từng chi tiết rất đầy đủ, Ni sư đã dìu dắt thiền sinh rất khéo léo. Không những nhiều thiền sinh đã học lâu năm, mà các thiền sinh dự thính, chỉ mới học lớp Thiền Căn Bản, cũng theo kịp một cách thú vị, hiểu rõ chủ đề và lời giảng, để có thể trỉnh bày với Ni sư những kiến thức khá cao trong Thiền Tánh Không. Vẫn giữ cái “Biết không lời”, thực hành đều đặn “Toạ thiền”, và “Bốn oai nghi”, “Nghe Như thật” và “Biết như thật”, người thực hành sẽ đi đến và có thể cất giữ “Nhận thức biết không lời” trong ký ức với cái “Thấy như vậy”. Khi “Tự ngã đã tuyệt đối thanh tịnh”, chỉ cần khởi ý “không nói” hay khởi ý “nhận thức biết không lời Chân như” là có thể đạt đến “Chân như”. Đây cũng là con đường “Ba la mật”, dẫn thiền giả đến “Quả vị Phật”.

Kết thúc khoá học, để khắc sâu tư tưởng “Trung cấp 3 Bát nhã” trong tâm tất cả thiền sinh, Ni sư đã có một kết luận rõ ràng. Sơ đồ trên bảng là con đường mang dấu chân Đức Phật đã đi qua từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng, đã ghi lại trong Kinh Điển. Cũng như chư Tổ từ hơn hai ngàn năm trăm năm qua, đó chỉ là “sự mượn lời” để nói đến cái “không lời” là cái “không thể lý luận”. Thiền Tánh Không đã tìm ra cách “mượn khoa học” đem đối chiếu với lời dạy của Phật và Tổ để hướng dẫn thiền sinh từng bước, đi trên con đường Thiền đến chỗ rốt ráo. Tất cả, đó chỉ là “Chân lý qui ước”, nhưng là Phật Pháp, nó được gọi là “Tục đế Bát nhã” (hay Văn tự Bát nhã). Chỉ có “Chân như” mới là “Thật tướng Bát nhã.” Thế nhưng, “Chân như” cũng là giả danh! Tathatà cũng là giả danh, bởi vì, thật ra, “Chân như” chính nó không tên, không màu sắc, không phẩm chất, không thuộc tính. Và chính “Quả vị Phật” cũng chỉ là giả danh! “Bờ Bên kia ” cũng là giả danh, là huyễn. Nhưng không có Huyễn, thì không có Thật! Chỉ còn một điều là “Nhận thức không lời”, nó cũng là một tình trạng không nói được, không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ, đó là phạm vi “không lý luận”: Atakkàvacara!

Nhìn vào sơ đồ trên bảng, với Tâm đời, thiền sinh có thể nghĩ “Biết đến bao giờ mới dụng công đạt cho được những điều ấy? Như Ngài Thế Thân nói “ba A-tăng-kỳ-kiếp chăng?” Nhưng với Tâm linh, “Một niệm không sanh đạt Niết bàn!” Làm sao đạt được? “Không tác ý”! Lời dạy của Thầy Thiền chủ vẫn ở trong Tâm của nhiều thiền sinh: “Không tác ý tất cả tướng là vào Chân như ngay!” Thiền sinh cũng không quên lời dặn cuối của Ni sư trong khoá học này: “Phải nhận ra tất cả đều Như. Phật và các đấng Như Lai có khắp mười phương, đó chính là Phật tánh trong mỗi chúng sanh! Và đó cũng chính là nội dung khoá học Trung cấp 3 Bát Nhã với ba chủ đề lớn của hệ Bát nhã: Chân như, Không và Huyễn!”

Hoà thượng Thích Mãn Giác, vào ngày 28 tháng 3 năm 2006, khi giới thiệu tác phẩm ‘Bồ tát và Tánh không trong kinh tạng Pāli và Đại thừa’ của tỳ-kheo-ni Thích Nữ Giới Hương, có viết: “Một trong những phương pháp tu tập của Bồ tát hay động cơ chính khiến Bồ tát hành Bồ Tát Hạnh không mệt mỏi là tuệ giác Tánh Không. (2) … Edward Conze cũng đã nói rằng có hai điều cống hiến lớn mà Đại thừa đã cống hiến cho tư tưởng nhân loại, đó là việc sáng tạo ra lý tưởng Bồ tát và chi tiết hoá học thuyết Tánh Không.” (3)

“Tháng 9.2010, trong tác phẩm The Grand Design, nhà vật lý lừng danh 68 tuổi Stephen Hawking viết rằng, các lý thuyết vật lý mới nhất cho thấy vũ trụ của chúng ta đã tự hình thành. Trước khi vũ trụ thành hình thì chỉ là một sự trống rỗng, nhưng tính sáng tạo nội tại trong cái Không đó đã hình thành vũ trụ. Tháng 12.2010, Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian NASA thông báo phát hiện của bà Felisa Wolfe-Simon, trong đó người ta tìm thấy một hình thái mới của sự sống, không giống với cấu trúc mà con người biết đến. Hai khám phá khoa học này đã làm những ai quan tâm không thể không liên tưởng đến những luận đề cơ bản của Phật giáo trong vũ trụ và thế giới hiện tượng. Nhận thức của Hawking trùng hợp với thuyết Chân không và vô ngã, còn phát hiện của Wolfe-Simon làm những người quan tâm liên tưởng đến tính Diệu hữu và duyên khởi của đạo Phật. Chân không - Diệu hữu vốn là vấn đề vũ trụ quan của Phật giáo. …

Qua thời gian, thực tế cho thấy các phát hiện của khoa học không hề bác bỏ vũ trụ quan Phật giáo mà ngược lại, chúng trùng hợp một cách kỳ lạ. … Nhưng phải nói phạm vi nhận thức giữa khoa học và Phật giáo rất khác nhau. … Vì vậy, khi so sánh Phật giáo và khoa học, tuy có nhiều thú vị và hứng khởi, chúng ta cần biết giới hạn của nó.” (3)

Nguyễn Thị Yến
Sacramento, Mùa Phật Đản 2013

Ghi chú:

(1) Buddhadasa Bhikkhu (1906-1993, một vị sư Thái Lan): "Heartwood of the Bodhi tree" (1962) – “Cốt Lõi của Cội Bồ Đề: Chương 5 – Tánh Không là gì?” Hoang Phong chuyển ngữ. Vào năm 2006, cơ quan UNESCO đã chính thức đưa cuốn sách này vào danh sách các tác phẩm thuộc gia tài văn hóa của nhân loại; đồng thời vinh danh và thừa nhận “Buddhadasa là một nhà tư tưởng thượng thặng và uyên bác về Phật Giáo.” – Trang web: Thư Viện Hoa Sen

(2) Hoà Thượng Thích Mãn Giác (1929 – 2006, Viện chủ chùa Việt-nam tại Los Angeles, Hoa Kỳ): Bài giới thiệu “Bồ tát và Tánh không trong kinh tạng Pāli và Đại thừa” dịch từ luận án Tiến sĩ “Boddhisattva and Sūnyatā in the Pāli Nikāyas and Mahāyāna Sūtras: An Analysis” của tỳ-kheo-ni Giới Hương, 2006 – Sư cô Giới Hương gửi tặng bản vi tính (Binh Anson, 07-2009) – Trang web: BuddhaSasana.

(3) Edward Conze, Thirty years of Buddhist Studies, London, 1967, tr. 54. – Trích bài viết của HT Thích Mãn Giác (2)

(4) Nguyễn Tường Bách, (Sinh 1948, Tiến sĩ Vật lý, nhà Khoa học viết văn, biên dịch): Chân Không Diệu Hữu, 2012 – Trang web: Thư Viện Hoa Sen