Tỉnh Ngộ - Bài cảm tưởng của thiền sinh



Kính thưa Cô:

Con là học sinh của lớp thiền năm 2009. Con đã thực hành thiền được một năm. Hôm nay con xin viết bài trình Cô tất cả những gì con đã học và thực tập trong một năm vừa qua. Con xin kể dài dòng một chút, vì con muốn trình bài toàn bộ những gì con học được và những cảm nhận của con trong suốt thời gian thực tập.

Con xin sơ lược về cuộc đời con
Ba mất lúc con mười ba tuổi. Con không thể nào tả hết nỗi khổ của con lúc đó. Nỗi khổ của đứa trẻ mồ côi cha sớm, hụt hẩng và bơ vơ. Lúc tuổi còn nhỏ, con luôn đinh ninh rằng con người sinh ra có cha, có mẹ là chuyện đương nhiên. Vậy mà cái đương nhiên đó bổng nhiên không còn nữa. Biết bao nhiêu đau buồn và thắc mắc. Lúc đó nhà con nghèo lắm. Ba bịnh nặng kéo dài. Mẹ xác xơ kiếm sống mà vẫn thiếu thốn mọi bề. Nhưng dưới bầu trời trẻ thơ lúc đó, tình thương của cha mẹ là tất cả. Cho nên dù thiếu thốn vật chất, nhưng con vẫn thấy mình đầy đủ vô cùng. Khi mất cha con mới thấy mình nghèo xơ xác. Mặc dù được ăn đủ no, nhưng con cảm thấy mình đói khổ hơn những đứa trẻ không có cơm ăn mà có cha mẹ đầy đủ bên cạnh. Cái chết của ba đã ám ảnh và kéo dài đến khi con lớn. Vì gia đình quá nghèo nên sự ra đi của ba con quá khó khăn và hết sức thê lương. Con đã ở bên cạnh ba chứng kiến tất cả, từ giai đoạn bịnh cho đến lúc chết. Từ lúc đó con đã hiểu rằng cuộc đời này không có gì đau khổ bằng cái chết, cho cả người đi và người ở lại. Sau này lớn khôn hơn một chút, con đau buồn hơn vì phải chấp nhận một sự thật là sự ra đi của ba con là con đường duy nhất để mẹ được sống, và để nuôi hai chị em con. Bởi vì nếu bịnh ba kéo dài chừng 4-5 tháng thôi, thì có thể mẹ sẽ đi trước ba, hay có thể ba mẹ sẽ ra đi một lượt. Ðây là bài học đầu tiên của con về cuộc đời là khổ. Ðói nghèo, bịnh, chết là biển khổ. Con đã bắt đầu nhìn cuộc sống hết sức bi quan từ.

Vài năm sau mẹ con tái giá. Cuộc hôn nhân thứ hai của mẹ cũng không có hạnh phúc. Ði bên cạnh cuộc đời nhiều đau khổ của mẹ, con cũng không ít khổ đau. Cực khổ kiếm sống, cộng với những xung đột từ những quan hệ chung quanh của cuộc đời mẹ, tạo nên một bức tranh rối mù và tăm tối. Những quan hệ mang tên hết sức thương yêu như: vợ chồng, cha mẹ, anh chị em... vậy mà những nỗi khổ thường bắt nguồn từ đây. Lúc đó con hay nghĩ, “Tại sao mọi người không ai hiểu ai?” Hiểu lầm, bất đồng ý kiến liên lục, sinh ra hiềm khích. Người nói ý này, người kia hiểu theo ý khác. Có nhiều khi hành động tốt của một người, nhưng khi qua sự diễn giải của người khác thì lại thành xấu. Bài học thứ hai con học được là đời này quá nhiều xung đột, đưa con người đến cảnh khổ triền miên.

Con qua Mỹ lúc 23 tuổi, bắt đầu đi học và đi làm lại từ đầu. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng con cũng cố gắng đi học để mong sau này có được hoàn cảnh khá hơn. Và thỉnh thoảng trên đường đời con cũng thầm hy vọng “học xong chắc mình sung sướng,” hay “khi lập gia đình có thể mình may mắn hơn mẹ, hoặc những cảnh đời khổ chung quanh.” Nhưng khi đậu xong đại học thì con sung sướng được chừng 1-2 ngày. Sau đó đi kiếm việc làm. Và cũng bắt đầu một chuỗi lo âu mới.

Ðến lúc lập gia đình, hai từ “hạnh phúc” càng xa vời hơn. Vợ chồng không hiểu nhau, bất đồng. Chồng muốn một đàng, vợ muốn một nẻo. Thêm vào những ràng buộc mới của gia đình vợ, gia đình chồng. Những xung đột giữa chồng vợ đã phiền não, thêm vào xung đột từ những quan hệ chung quanh làm cho con cảm thấy bế tắc. Càng lớn con càng hiểu rằng mỗi giai đoạn của cuộc đời đều có những nỗi khổ khác nhau. Và mọi người ai cũng có nỗi khổ riêng. Có lẽ vì vậy mà ai sống trên đời này cũng đi tìm hạnh phúc. Nhưng làm sao để có được hạnh phúc? Con đã bắt đầu nghi ngờ rằng, “Con người có ai có được hạnh phúc thật sự?” Con đã đi tới cuối đường của sự hy vọng. Con luôn tự hỏi, “Có con đường nào khác không?”

Cuối cùng câu trả lời là chỉ còn con đường Phật pháp. Cho nên quay về với con đường Phật pháp, con đường tâm linh là một điều tất yếu đối với con. Con không muốn tồn tại như vầy suốt cuộc đời. Tồn tại là chấp nhận những phiền não, những nguồn quay của xung đột, lập đi lập lại suốt cuộc đời. Nhưng để có một lối thoát cho lối mòn này thì con chưa tìm được. Hay nói một cách khác, con đã hiểu sâu sắc thế nào là vô thường, là xung đột, là khổ như lời Phật dạy. Nhưng con chưa tìm được con đường đúng để được thoát khổ. Ví dụ, làm sao khi đối diện với vô thường mà không khổ, hay làm sao tránh được xung đột để khỏi khổ...

Đường đạo nhiều may mắn...

Trong lúc lay hoay tìm kiếm con đường thoát khổ, thì con đã quá may mắn khi đến được lớp thiền Tánh Không của Thầy và Cô từ Thiền Viện Tánh Không, tổ chức ở Sacramento. Sau khi học 2 hai lớp thiền: Căn Bản và Bát Nhã 1, con hiểu thật rõ ràng khổ là do đâu và con đường diệt khổ là như thế nào.
 
Qua hai lớp học nầy, con học được hai vấn đề quan trọng nhất mà làm thay đổi cả cuộc đời con. Con học được lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tùy miên là nguyên nhân sinh khổ của con người. Như trường hợp của con, lúc nào lậu hoặc, kiết sử, tùy miên ngủ ngầm dưới tâm ba thời cũng làm tâm con nhớ về những tổn thương, đau khổ trong quá khứ, lo lắng bất an cho tương lai, và luôn chấp chặc vào các nỗi khổ. Tâm như bị trói trong một cái khung, trong đó chứa đựng toàn là những sự hiểu biết này. Bây giờ con đã hiểu các phiền não ràng buộc tâm vì lậu hoặc quá sâu dầy, cho nên cuộc sống không thể nào bình an được. Ví dụ, hiện tại con không có chuyện gì để lo lắng, bất an, con ngồi yên một chỗ, thì khỗ cũng vẫn tìm tới, vì bị cái mớ lậu hoặc, kiết sử, tùy miên ngủ ngầm nầy quậy phá.

"Bây giờ con đã biết tôn trọng ý kiến của người khác. Ngay cả quan điểm của con cũng không phải luôn luôn đúng với chính con. Hôm nay quan điểm này là đúng, nhưng ngày mai chưa chắc gì còn đúng nữa. Những quan điểm và ý kiến này chỉ dựa vào chân lý tương đối của thế gian. Mà cái gì tương đối thì không thể tin tưởng vì nó luôn sai lạc và thay đổi. Bao nhiêu đây cũng đã giải quyết bao thắc mắc về xung đột của con từ bấy lâu nay. Và con đã bắt đầu thấy bớt khổ. Con cũng không sống bằng cái khung thành kiến, hay giáo điều của người khác nữa. Ðây là một thay đổi lớn trong cuộc đời con. Con thấy con như người được cởi trói và cuộc sống có nhiều tự do."

Và cũng chính những lậu hoặc, kiết sử, tùy miên này tạo ra những định kiến, cố chấp, và ngã mạn. Ðiều này dẫn đến con ít khi nào nghĩ mình sai. Lúc nào cũng nghĩ mình đúng mà không cần biết có đúng thật không, sinh ra tự cao, coi thường người khác. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính tạo đau khổ cho chính con và cho người khác vì chúng gây xung đột, hiểu lầm, hiềm khích, và ghét bỏ nhau. Hiểu được điều này, con không còn tranh cải đúng sai với người khác nữa. Quan niệm và ý kiến thường dẫn đến tranh luận và sân hận, đưa đến khổ đau. Vì ý kiến và quan điểm là thói quen suy nghĩ của cá nhân về một chuyện gì đó qua những định kiến, giáo điều, truyền thống gia đình, tập tục xã hội mà mình lớn lên trong đó. Con có thể có ý kiến hay quan điểm của riêng con. Nhưng con không thể nói ý kiến của con là đúng, mà của người khác là sai. Bây giờ con đã biết tôn trọng ý kiến của người khác. Ngay cả quan điểm của con cũng không phải luôn luôn đúng với chính con. Hôm nay quan điểm này là đúng, nhưng ngày mai chưa chắc gì còn đúng nữa. Những quan điểm và ý kiến này chỉ dựa vào chân lý tương đối của thế gian. Mà cái gì tương đối thì không thể tin tưởng vì nó luôn sai lạc và thay đổi. Bao nhiêu đây cũng đã giải quyết bao thắc mắc về xung đột của con từ bấy lâu nay. Và con đã bắt đầu thấy bớt khổ. Con cũng không sống bằng cái khung thành kiến, hay giáo điều của người khác nữa. Ðây là một thay đổi lớn trong cuộc đời con. Con thấy con như người được cởi trói và cuộc sống có nhiều tự do.

Vấn đề thứ hai con biết được tất cả mọi người (chúng sinh) đều có tánh giác (tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm, và tánh nhận thức biết). Con hiểu được mắt chỉ thấy màu sắc và hình ảnh. Tai chỉ nghe âm thanh. Tất cả mọi thứ còn lại là do tâm tạo. Khi nghe một câu nói không vừa ý, thực sự chỉ là một “âm thanh,” nhưng tâm nói “Người ta nói nặng mình, coi mình không ra gì” rồi bắt đầu khổ. Hay mắt nhìn thấy ai không thích, tâm liền giãi mã chúng qua chức năng của ý thức rồi đưa vào tồn trữ trong ký ức. Tâm bắt đầu, phân biệt, phê bình, ghét bỏ. Tánh giác có thể bảo vệ tâm khỏi rắc rối những lúc như thế này, giúp tâm con được thanh tịnh.

Biết được mình có tánh giác, con như người hành khất trôi dạt khắp nơi, giữa dòng đời lạnh lẽo, bỗng một hôm biết mình có căn nhà kiên cố và ấm áp. Tánh giác là căn nhà lý tưởng che chở cho con khỏi thế giới bên ngoài đầy nhọc nhằn và rủi ro. Dựa vào sự chở che của tánh giác là dựa vào chính bản thân con, giúp con lướt qua được những rối rấm, trở ngại trong cuộc đời. Trong những lúc cảm thấy mệt mõi, chán chường, bất an, con có thể trở về ẩn náu trong tánh giác để có sự bình an. Trong thời gian qua, tập an trú trong tánh giác, con cảm nhận được khi con có khả năng an trú trong tánh giác nhiều chừng nào, thì tâm con càng vững vàng khi phải đối mặt với những điều làm tâm đau khổ. Con chỉ mới khởi đầu của con đường dài tu học. Hiểu được chức năng ban đầu nầy của tánh giác giúp tâm con bình an và ngồi thiền được dể dàng hơn.

Ðối với con, biết tánh giác là khởi điểm quang trọng nhất, và mở ra cho con một chân trời mới, trên con đường tu học. Vì chức năng quan trọng của tánh giác là khai mở trí tuệ tâm linh, đưa con người tiến tới con đường của chân lý tuyệt đối, bứng tận gốc mọi khổ đau, và đưa đến giải thoát hoàn toàn.
Bây giờ con hiểu được tất cả những nỗi khổ đều đến từ bên trong, không đến từ bên ngoài. Vậy thì muốn hết khổ, con phải thay đổi từ bản thân mình. Con cần phải chuyển đổi tất cả, cho đến khi không còn lo lắng, bất an, bực tức, ích kỷ hay đố kỵ. Lòng phải không còn sợ không đạt được những gì mong muốn, sợ bị người ta ghét hay chê bai, và sợ hãi chính cái chết của chính mình hay người thân. Chừng nào còn những tập khí này, thì cuộc sống của con sẽ vẫn còn khổ. Mà muốn chuyển đổi chỉ có con đường duy nhất là phải thực hành thiền. Cho nên con không thể kể hết vui mừng khi con được học và biết hết những điều này. Vì nếu con không nhận ra, con không thể có sự thay đổi nào cho cuộc đời.

Khi hoàn tất 2 lớp thiền, con thấy tâm con xúc động và mang ơn Thầy Cô sâu sắc. Dù chưa thực tập được nhiều trong quá trình học, nhưng từ thâm sâu con hiểu rằng con đã gặp con đường mà con muốn tìm từ bấy lâu nay.

Con đã thực hành thiền được một năm...

Từ xưa con cứ tưởng suy nghĩ của mình là tâm của mình. Nhưng khi học thiền con mới hiểu suy nghĩ chỉ là những “lời nói thầm thì” và “lời đối thoại thầm lặng” liên tục. Hay nói cách khác suy nghĩ chỉ là một chuỗi vọng niệm phiền não liên lục, chứ không phải tâm của con. Thực tập kỹ thuật “không nói,” con đã có kết quả tức thời. Dùng “không nói” để tắt tất cả mọi mọi lời nói, dòng chảy ký ức bị đứt đoạn, tâm con không thể hồi tưởng quá khứ. Cũng giống như vậy, những dự định cho tương lai cũng không xuất hiện. Thực hành phương pháp này giúp tâm con luôn ở trạng thái yên lặng nhưng biết rỏ ràng những gì xảy ra bên trong hay bên ngoài con.

Suốt một năm nay con đã cố gắng thực hành thiền mọi lúc, mọi nơi, chỉ trừ khi ngủ. Tùy theo chỗ và tùy theo lúc mà con áp dụng nhưng phương pháp thiền khác nhau: quán, chỉ, định, huệ. Ví dụ, con thường suy đoán tình cảm ẩn dấu trong lời nói, hay trên gương mặt của người khác. Vì thế mà thường dẫn đến hiểu lầm, bực tức, bất an. Áp dụng thiền huệ, chiêu thức “không dán nhãn đối tượng” giúp con trị được chứng bịnh trầm kha này của con, giúp cho cuộc sống chung đụng với mọi người chung quanh ít sinh hiểu lầm, đem lại cuộc sống hài hoà và yên vui hơn.

Trong lúc làm việc, con “làm việc gì chỉ biết làm việc ấy”, làm trong chánh niệm như Cô đã dạy. Làm trong chánh niệm giúp con tiếp xúc với hiện tại “ngay bây giờ và ở đây”. Đây cũng là lúc con được đối diện và sống thực với chính mình. Khi tâm phóng đi, con nhận ra vì tâm bắt đầu “nói thầm”. Khi nhớ, con liền kéo tâm về với giây phút hiện tại. Con kéo tâm về rất nhiều lần trong một ngày. Vì tâm con vẫn còn thói quen “nói thầm”. Thực tập những phương pháp này qua thời gian giúp con thoát khỏi lo lắng, buồn phiền của cuộc sống. Tâm con bớt “nói nhảm” rất nhiều, mang lại an lạc và niềm vui tự tại. Vì thực hành thiền cả ngày, cho nên cuối ngày con ngồi thiền, con thấy vào định dễ dàng hơn.

Con đã tìm được hạnh phúc an vui

Trước đây con sống bi quan, con nghĩ cuộc đời niềm vui ít và qua nhanh, nỗi buồn thì nhiều và ở lại lâu. Nhưng bây giờ thì con đã nghĩ khác. Nếu chưa từng trải qua đau khổ, con không có lý do để tỉnh ngộ và cố gắng tu tập. Nếu không nhận thấy khổ đau có mặt khắp nơi, bao trùm lên gia đình và nhiều người chung quanh, con đã không có ý muốn thoát khỏi sự trói buộc của khổ đau. Có khi lê lết tấm thân này, sống tới già, bịnh, rồi chờ chết mà vẫn chưa hết khổ, không biết gì về bản thân con, và cũng không biết mục đích của cuộc đời con là gì. Sau một thời gian thực hành thiền, con thấy tự tin và vững vàng hơn, bởi vì con biết rằng đường đời vẫn còn nhiều chông gai, nhưng từ đây con đã biết cách làm thế nào để vượt qua và không để lại thương tích nữa.

Thiền giúp con soi lại chính mình một cách chân thực. Biết nhìn thấy những mặt xấu của con như: chấp ngã, định kiến, ích kỷ, tham lam ... Ngày xưa con thường bằng lòng với cái tốt của con, và che dấu đi cái xấu. Không muốn soi vào chúng, chấp nhận chúng. Con không muốn thay đổi chính mình vì con nghĩ thay đổi là con bị thua thiệt, bị thiệt thòi. Con chỉ muốn người khác thay đổi. Bây giờ con đã chấp nhận và nhìn ra những tánh xấu, chỉ có như vậy con mới không tái phạm lỗi lầm cũ và thay đổi hoàn toàn được.

Thấu hiểu được bản chất khổ đau của cuộc đời. Con không còn tránh né khổ đau hay coi đó là một số phận bất hạnh. Con biết chấp nhận mặt khổ này của cuộc sống. Sự sinh, già, bịnh, chết không còn làm con sợ hãi nữa. Biết tất cả vạn vật đều sinh diệt không ngừng, nên con biết chấp nhận sự vô thường.

Ngày trước mỗi khi cảm thấy cô đơn, lo lắng, hay bất an con thường trốn tránh bằng nhiều hình thức tiêu khiển như: shopping, coi TV, nghe nhạc, ăn uống, đọc sách báo... Nếu như không có những thứ này con thấy buồn bã. Nhưng bây giờ con đã không còn bám víu vào những thứ vui nhất thời này. Mọi việc trong cuộc sống của con cũng vậy. Việc gì cần làm con cũng làm hết khả năng của con. Nhưng con không còn bị áp lực như trước. Con không còn cố gắng để luôn hoàn hảo vì sợ bị chê hay chống báng. Bây giờ những điều này không còn là phần quan trọng của cuộc đời con. Ðối với con giờ đây tâm tỉnh lặng, an lạc, được tiến xa hơn trên con đường thoát khổ là quan trọng nhất. Tất cả những chuyện khác đã không còn quan trọng nữa.

Thiền mang lại cho con những an lạc, hạnh phúc mà hoàn toàn không phụ thuộc vào yếu tố nào bên ngoài. Khi ngồi thiền tâm con trống không, biết rõ ràng những gì xảy ra chung quanh, nhưng tâm không còn lo lắng, bất an, hay ưu phiền. Tâm con không chứa đựng những định kiến về con người và thế giới chung quanh, nhờ đó con cảm thấy bình an trong cuộc sống. Thì ra không phải lúc nào tâm cũng mang phiền não, bất an cho con, tâm cũng có khả năng mang lại bình an. Chỉ vì con đã có những quan điểm, nhận thức sai về hiện tượng thế gian, cho nên tâm mới mang lại nhiều phiền não như vậy.
Thiền mang con trở về với chính mình. Trở về với chính mình là một điều kỳ diệu, là một hạnh phúc mà con chưa bao giờ được có. Khi trước con đi tìm hạnh phúc nhưng thật sự con không biết hạnh phúc mà con muốn là gì. Hạnh phúc có thể nói là tùy theo định nghĩa của mỗi người. Bây giờ con mới nhận ra hạnh phúc mà con muốn tìm chính là sự tỉnh lặng, an lạc, tự do, tự tại.
Khi con hiểu ra được cái tỉnh lặng, an vui này chỉ có con mới đem lại cho chính cuộc đời con. Con cảm thấy một niềm vui tràn ngập. Từ trước đến giờ con đi tìm hạnh phúc, nhưng con đã tìm sai. Con đã hy vọng vào người khác mang hạnh phúc đến cho con. Cho nên khi người khác không thể đem lại cho con thì con khổ. Từ đây con không còn lao đao tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài nữa, mà có thể nương trú ở chính bản thân của con. Con thấy tự tin và bắt đầu biết yêu quí cuộc sống này.

Tất cả những chuyển đổi mà con có được đã xảy ra rất tự nhiên trong quá trình học và thực hành thiền. Con nhận ra rằng ý muốn chuyển đổi và sự chuyển đổi không phải là một. Ðối với con, phải nhận ra “bộ mặt” thật của lậu hoặc, kiết sử, tùy miên, và bản chất của tâm. Từ đó mới hiểu nguồn gốc của đau khổ, đưa đến chuyển đổi nhận thức, sau đó là chuyển đổi cách sống. Sự chuyển đổi này mới là thật sự.

Thật là kỳ diệu, học hai lớp thiền chỉ vẻn vẹn có 21 ngày, mỗi ngày một buổi, riêng thứ Bảy và Chủ nhật 2 buổi, vậy mà con có thể tự tay vén được đám mây xám trên bầu trời của cuộc đời con. Con đã không còn thấy cuộc đời con mờ mịt như trước nữa. Con đã không ngờ rằng, tất cả các ngã rẽ trước đã dẫn đến ngã rẽ cuối cùng của con đường rộng mở thênh thang đầy may mắn này. Con đã thấy được chân trời mới phía trước. Cuộc đời con từ đây sẽ là một chương mới: Bình yên và lạc quan.

Tri ân

Con không thể nói hết sự biết ơn của con đối với Thầy Cô. Con được Thầy Cô trao cho tấm bản đồ với những dấu chấm, với những lời hướng dẩn tận tình, và cách thực hành rõ ràng, giúp cuộc hành trình trên con đường thoát khổ của con thẳng tắp hơn và ít gập ghềnh. Trước đây con cũng có tìm hiểu Phật pháp, nhưng mãi cho tới khi gặp lớp học này con mới hiểu rốt ráo được sự vi diệu của pháp Phật. Vì đề tài về tâm linh và về thiền là đề tài trừu tượng rất khó hiểu, vậy mà bộ giáo án được Thầy Cô soạn ra xuất sắc, thiết thực, và hay đến nổi con... giật mình (con không biết dùng chữ nào cho đúng). Giáo án kết hợp kinh điển của Ðức Phật và kiến thức khoa học hiện đại, để thích hợp với con người ở thời đại mới. Cùng với lối giảng dạy thật dễ hiểu, tận tình, rỏ ràng, sâu sắc của Cô tạo cho lớp thiền như là một lớp học khoa học tâm linh vô cùng lôi cuốn.

Và con cũng xin tri ân các bác, các cô trong ban tổ chức của hội Thiền Tánh Không ở Sacramento. Sau khi tìm đúng đường cho mình các bác các cô đã không quên và lo lắng cho những người như con, chưa tìm được đúng đường hay đang lạc lối, đã tìm mọi cách với hết sức lực của mình để sắp xếp cho lớp thiền Tánh Không có mặt ở Sacramento. Con xin chúc tất cả Thầy, Cô và ban Tổ chức của hội Thiền Tánh Không thật nhiều sức khỏe và an vui. Chúc tất cả thiền sinh có nhiều duyên lành để được tiến bộ trên con đường thân tâm an lạc.

Nguyễn Hồng
Thiền sinh khóa 2009
Sacramento, California 2010
Tranh họa: Nguyễn Thọ