Thiền Định và Mã Số

DẪN NHẬP
Ngày xưa có anh Alibaba nghe lóm được "mật mã": "Hột mè, hột mè, mở cửa ra." Anh ta lẻn vào kho tàng của bọn cướp, ăn cắp được một mớ châu báu.
Ngày nay, gửi tiền, ngân phiếu vào nhà băng, được cấp thẻ nhựa. Dùng thẻ nầy vào máy ATM, bấm đúng mã số PIN, rút ra được số tiền muốn lấy (không quá số tiền ký gửi).

MÃ SỐ LÀ GÌ
Là con số, chữ, hay lời, tắt gọn chỉ dành cho người đã quy định, để làm chìa khóa rút tiền, mở hộp an toàn cất giữ vật quý...
Là chủ đề của Thiền Định, chủ đề trừu tượng, Trí năng, Ý thức, Ý căn không làm sao chứng nghiệm, thể nhập được.
Ví dụ: Chân Như là cái không tên, không lời, không hình tướng, không phẩm chất, không thuộc tính, ngôn ngữ, suy tư không đạt tới được. Tuy nhiên, Chân Như là một thực tại, là tinh túy của hiện tượng thế gian, không phải là một siêu hình trong tưởng tượng.
Chân Như là cái Như Vậy, do Đức Phật với Tâm Như (Tathā) nhận ra, chứng ngộ quả vị Chánh Đẳng Giác (tuần lễ thứ 5) về Lý Duyên Khởi.

LÀM SAO THỂ NHẬP CHÂN NHƯ ?
A. Thành Lập Ký Ức Mã Số:
Chân Như là cái Như Vậy, không tên, không lời, không thể nghĩ bàn, chúng ta chỉ dùng mã số hai từ "Không Nói" (thầm trong não). Khi Tâm ta không nói thầm vững chắc đến khi trở thành Nhận Thức Không Lời.
"Như Vậy", hay tâm Tathā, Tâm Như ta sẽ trực nhận cái Như Vậy của hiện tượng thế gian.
B. Thành Lập Ký Ức Thầm Lặng:
Có 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn có nhiều bước.
GIAI ĐOẠN I
Bước 1: Dùng Tầm tắt Tứ. Nói ra lời "Không nói" ... "Không nói" ... "Không nói" ...
(Tầm là ta tự nói; Tứ là hình ảnh từ ký ức khởi lên).
Trong khi nói "Không nói" ... không có Tứ hay Niệm khởi lên giữa 2 từ "Không nói" ... "Không nói" ..., ta vẫn có cái Biết mà không có lời nói thầm hay Tứ khởi lên. Đó là niệm Biết Không Lời của Tánh Giác.

Bước 2: Nói thầm "Không nói" ... "Không nói" ... "Không nói" ...
Cũng tập như ở bước 1, thay vì nói ra lời, ta nói thầm "Không nói" ... "Không nói" ..., vẫn giữ niệm Biết Không Lời.

Bước 3: Nói thầm "Không nói" ............... "Không nói" ............... "Không nói" ...............
Tức giữa 2 từ "Không nói" có một khoảng cách "Biết Không Lời". Tập bước này để kéo dài niệm Biết Không Lời, càng dài càng tốt.
Giai đoạn I này có thể tập khi ngồi thiền hay trong 4 tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi) bất cứ lúc nào rảnh rỗi.
Tập càng nhiều càng cất giữ vào Ký Ức Thầm Lặng vững chắc.
GIAI ĐOẠN II - THẦM NHẬN BIẾT
Bước 1: Dùng mắt nhìn 2 chữ "Không nói", biết nó là "Không nói" mà không nói thầm (đọc thầm) "Không nói".
Bước 2: Nhắm mắt lại, hình dung trạng thái "Không nói". Tức là khi nhắm mắt, ta vẫn ở trong trạng thái không nói thầm "Không nói" như khi nhìn 2 chữ "Không nói" khi mở mắt nhìn ở bước 1.
Nói rõ hơn, ở bước này, dù nhắm mắt, vẫn giữ trạng thái Không Nói như ở bước 1, mà có cái "Biết" rõ ràng mình đang không nói thầm "Không nói".
Bước 3: Thầm Nhận Biết trong 4 tư thế - trong khi đi đứng nằm ngồi, mắt thấy, tai nghe, thân xúc chạm đều "thầm nhận biết". Biết rõ tất cả đối tượng thấy nghe, xúc chạm mà không nói thầm về đối tượng đó.
Bước này để củng cố "Thầm Nhận Biết" (không lời) cho thật vững chắc.
Tức là Nhị Thiền hay Định không Tầm không Tứ. Trong Định này có Acetylcholine và Dopamine tiết ra, ta cảm thấy khoan khoái, nhẹ nhàng, hỷ lạc, vui thích từ trong tâm; càng tập nhiều Định không Tầm không Tứ càng vững chắc, có thể một thời thiền 1 giờ, chỉ một vài niệm xẹt vô liền biến mất.
Bước 4: Thầm nhận Biết trạng thái Không Nói
Từ chỗ Thầm nhận Biết không nội dung ở bước 3, chúng ta tiến lên Thầm nhận Biết có nội dung ở bước 2.
Tức là ta chỉ ôn lại "hình dung trạng thái Không Nói" ở bước 2.
Bước này khác với bước 3 ở hai điểm:
  1. Bước 3: Thầm Nhận Biết trong 4 tư thế và không có nội dung
  2. Bước 4: Thầm Nhận Biết trong tư thế tọa thiền và có nội dung Không Nói.
Bước này rất dễ tập, nếu ta có Định không Tầm không Tứ vững chắc.
Chỉ cần thêm trong cái Biết Thầm lặng là mình đang ở trong trạng thái "Không Nói".
GIAI ĐOẠN III - TỈNH THỨC BIẾT
Bước 1: Tỉnh Thức Biết trạng thái Không Nói - là bước kế tiếp.
Thầm Nhận Biết "Không Nói" đã vững chắc. Chỗ khác nhau rất nhỏ là ngồi thiền, có Định Không Tầm Không Tứ vững chắc, và có cái Biết rõ ràng bên ngoài, bên trong, với trạng thái "Không Nói".
Bước 2: Tỉnh Thức Biết Không Nội Dung, hay Nhận Thức Biết Trống Rỗng. Bước này buông luôn chủ đề hay "Mã Số Không Nói".

C. Thành Lập và Gợi Lên Ký Ức Hiển Minh
GIAI ĐOẠN IV - NHẬN THỨC BIẾT NHƯ VẬY
Đây là kết quả của bước 2 / giai đoạn III, tức là Tỉnh Thức Biết Trống Rỗng hay "Tỉnh Thức Biết Như Vậy".
Ở giai đoạn này, ta dùng Nhận Thức Gợi Lên về trạng thái "Tỉnh Thức Biết Như Vậy". Khi ấy:
  • Tầm Tứ không động
  • Thọ Tưởng không khởi
  • Hơi thở tự động dừng từng chập
Tức 3 hành: ngôn hành, ý hành, và thân hành đều yên lặng.
Đó là trạng thái TÂM NHƯ VẬY hay Tâm Tathā.
Nếu Tâm này được gợi lên từng chập sẽ kích thích vùng Nhận Thức Không Lời, tiềm năng giác ngộ từ lần bật lên: gọi là Phản Xạ Thụ Động.

TÓM KẾT
A. Với Tâm Tathā, chúng ta sẽ nhận ra cái Như Vậy (Tathātā) của mọi hiện tượng thế gian vốn nó Như Vậy, Không lìa, Không khác với Tâm Tathā, gọi là "THỂ NHẬP CHÂN NHƯ".
B. Dùng Nhận Thức Gợi Lên để kích thích tiềm năng giác ngộ, ta sẽ từ lần phát huy trí tuệ tâm linh (trí tuệ tự phát hay trí huệ Bát Nhã). Ta sẽ có sáng kiến mới, trí sáng tạo sanh khởi, có tri giác, trực giác, từ trường tâm Bi, v.v...
C. Trong tầng định sâu, 3 hành không động, lậu hoặc tập khí sẽ chóng bị tẩy rửa, nhân tố luân hồi bị triệt tiêu, chúng ta lần lượt đi đến THOÁT KHỔ - GIÁC NGỘ - GIẢI THOÁT.
Con đường tâm linh trước mặt do Đức Phật vạch ra, do Thầy khai triển, tuy khó nhưng khả thi. Nếu chúng ta có ý chí và chịu khó dụng công miên mật, đều đặn, sẽ có ngày thành tựu.
Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi
Khó vì lòng người ngại núi e sông...
Dù khó cho mấy mà đi đúng Pháp
Chẳng chóng thì chầy cũng thành công.
(Con xin thêm hai câu cuối)
Không Chiếu
Riverside, Mùa An Cư, 03.12.2009