Tôi Đi Học Thiền



Tôi đến với Thiền không phải là một sự tình cờ, ngẩu nhiên vì vào năm 2006, Thiền viện Tánh Không có tổ chức một buổi ra mắt đại chúng với đề tài “Thiền Dưới Ánh Sáng Khoa Học” tại hội trường ViVo ở San Jose do Thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt giảng thuyết và tôi đã tham dự buổi đó.


Thầy Thiền Chủ giảng rất lôi cuốn mọi người và tôi là một trong số người ấy. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc sơ lại Thầy đã giảng về đề tài Thiền Dưới Ánh Sáng Khoa Học, với những hình ảnh não bộ đã được chứng minh thật rõ ràng và chi tiết như Thiền đúng sẽ điều chỉnh tâm thể, tâm sẽ bớt dính mắc và sẽ hài hòa hơn v.v… Đôi lúc Thầy kể chuyện vui làm cho không khí trong phòng tăng thêm phần hào hứng và khá vui nhộn.

Tôi đã dự buổi thuyết giảng cho đến phút cuối, khi ra về với nhiều ngạc nhiên và thích thú, nhưng vì chưa có sự chuẩn bị nên tôi không có ghi danh theo học lớp Căn Bản sẽ được tổ chức một tuần sau đó. Đồng thời tôi có mấy người chị em cô cậu cũng đã học nhiều khóa Thiền do Thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt giảng dạy. Có người đã học tới Bát Nhã 4 và nhiều lần họ cũng có khuyên tôi nên đi học thử một lớp trước, nếu không thích thì thôi. Thời gian đó tôi tự viện dẫn như là vì bận đi làm, ngại lái xe xa (từ nhà tôi tới Đạo Tràng hơn 1 giờ) và tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi: “Học thiền có ích lợi gì không”? Nếu có, tôi lại không tin là mình có thể học được vì Thiền rất là khó học.

Cũng bởi nhiều lý do và nhiều câu hỏi như trên, khiến cho việc học của tôi bị chậm trễ. Cho mãi đến tháng 3/2009 tôi mới quyết định ghi danh học khóa Căn Bản 56 chính thức và giờ đây có thể nói là mọi việc đều do Duyên mà thành: tôi đi học Thiền.

Khi đã lấy xong hai lớp: Căn Bản 56 và lớp Bát Nhã 1, cả hai lớp nầy đều do Sư Cô Triệt Như giảng dạy (con thành thật cám ơn Cô rất nhiều đã dìu dắt con trên bước đường tâm linh). Ngoài ra, tôi cũng đã tham gia bốn ngày cuối tuần do Thầy Không Chiếu giảng dạy. Thầy đã hướng dẫn lớp nầy cho những thiền sinh mới và cũ (con rất cảm tạ Thầy đã hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc của con). Đây là lớp Thiền Đi Vào Đời Sống Con Người 4/10 ngắn hạn, Thầy không đặt nặng phần lý thuyết mà chủ yếu là dạy thực hành Thiền giúp điều hòa bệnh tâm thể.

Khí công không phải là Thiền, nhưng Thiền và Khí Công đều phải đi đôi và kết hợp một cách hài hòa. Khí Công là động còn Thiền có thể ví như tĩnh. Thực hành Thiền mà không thực hành Khí Công hay ngược lại là một điều thiếu sót và kết quả không được mỹ mãn.

Học Thiền rồi có thể nói đây là một bước ngoặc lớn nhất trong đời, tôi tự trách mình sao không đến với Thiền sớm hơn để thời gian đã trôi qua quá uổng phí!

Cô đã dạy có bốn phương tiện để thực hành Thiền là Thiền Quán, Chỉ, Định và Huệ. Riêng Thiền Định có hai kỹ thuật là Thở và Không Nói… Riêng bản thân tôi áp dụng kỹ thuật “Không Nói” rất thích hợp cho mình. Tôi nghĩ vấn đề tọa Thiền ngồi được lâu hay mau không quan trọng lắm mà quan trọng là trong lúc thực hành Thiền, lúc nào cũng phải giữ “Niệm Biết”, tránh hôn trầm hay tránh nói thầm trong não.

Có Thay Đổi
Tôi nghĩ qua hai khóa chính thức và mấy ngày học dự thính tôi tự thấy bản thân có rất nhiều thay đổi chẳng hạn như:
  • Bớt phiền não những chuyện thuộc về quá khứ.
  • Bớt tò mò chuyện của người vì tôi đã áp dụng nghe chỉ biết nghe.
  • Bớt dính mắc rất nhiều nếu bị chê trách thì không buồn và cũng không lấy làm thích thú hay tự mãn nếu được nghe khen.
  • Bớt lo lắng những chuyện thuộc về tương lai.
  • Bớt tri kiến thế gian chẳng hạn như đã từ chối tham dự những buổi sinh nhật, đám cưới, họp mặt bạn bè nơi công viên… mà tôi thấy không cần thiết.
Tôi nghĩ nếu muốn thay đổi từ: “Bớt...” đến “Không còn...” chỉ có một cách duy nhất là thực hành Thiền miên mật mỗi ngày thì kết quả sẽ viên mãn.

Chia Sẻ Kinh Nghiệm
Đối với một thiền sinh sơ cơ như tôi đây thì kinh nghiệm chẳng có là bao, nhưng tôi cũng muốn chia sẻ cùng các bạn.

Lúc mới bắt đầu thực hành Thiền tôi gợi lên trạng thái “Không Nói” rồi tắt ngay và lúc nào cũng giữ “niệm biết”. Mỗi lần tôi ngồi được 20 phút, nhưng thường khoảng 5-10 phút là vọng tưởng từ trí căn, trí năng và ý thức lúc nào cũng phá rối, khiến cho não luôn luôn có sự nói thầm. Đây chính là trở ngại lớn nhất đối với tôi.

Tôi lại gợi lên “Không Nói” nhưng không theo hay xua đuổi vọng thì vọng tưởng từ từ tan dần, do đó tôi tự nhắc mình rằng:
Khi vọng tưởng khởi lên,

Luôn luôn giữ “niệm biết”
Nhất quyết không theo vọng
Vọng tự biến đi thôi.


Sau nầy thời gian tôi thực hành Thiền tăng dần từ 30-50 phút. Khi tôi dừng được niệm cảm thấy cơ thể lâng lâng, bồng bềnh, hơi thở rất nhẹ đôi khi dừng lại từng chập, hay xuất hiện trạng thái bioaction và có khi không còn cảm nhận hai cánh tay dính với thân mình nữa. Lúc đang ở trạng thái nầy tôi cảm thấy tâm rất tĩnh lặng, nhẹ nhàng.

Xin góp ý
Trước khi học Thiền, tôi hay muốn người khác chìu theo ý của mình hay thắc mắc là tại sao tánh tình của anh/chị họ không như thế nầy hay phải như thế kia..., thậm chí tôi lại nghĩ tại sao bản thân người ấy không thay đổi chút nào, mặc dù đã trải qua biết bao nhiêu năm rồi v.v…? Chính tự bản thân tôi cũng không hơn gì họ vì tôi đã xem “cái ta” quá lớn, nhưng bây giờ thì tôi đã mở rộng cách nhìn mới và hiểu là:
Nếu ta mong thay đổi ai đó,

Trước tiên, ta phải tự đổi thay,
Ta tự ta thay đổi không khó,
Sớm muộn ai kia ắt có ngày...

Tôi biết thực hành Thiền rất là khó, vì chúng ta đã bị huân tập rất nhiều từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Những lậu hoặc, kiết sử, tùy miên và nhiều phong tục, tập quán cũng cố tiếp nối từ đời nầy tới đời sau. Chúng ta cũng đã tự trói buộc mình trong các khuôn khổ dị đoan, mê tín… giống như bị bao vây giữa một thành trì kiên cố và khá vững chắc mà mình không hay biết.


Chúng ta cũng có nhiều sự chung đụng khi sống chung trong một gia đình nhỏ bé và đồng thời tiếp xúc, va chạm khá nhiều với họ hàng, bạn bè, đồng nghiêp hay ngay cả những người không quen biết… trong một xã hội rộng lớn. Cho nên khi thực hành Thiền vọng tưởng hay khởi lên, khiến ta khó mà dừng được niệm. Nếu tự mình gò ép, cố gắng tập trung hay tự vẽ ra một hình ảnh trong lúc thực hành thì không phải là Thiền.

Nhìn lại lớp Căn Bản 56 số thiền sinh ghi danh tiếp tục học lớp Bát Nhã 1 chỉ đạt khoảng phân nữa số người tham dự thôi, có thể có nhiều lý do, nhưng dù là lý do gì đi nữa thì:
Bạn ơi, xin chớ nãn lòng,
Xin đừng bỏ cuộc, trọn lòng sắt son.
Một mình trên chiếc thuyền con,
Tay chèo vững chãi, bon bon sang bờ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Như Thu
Tranh họa: Nguyễn Thọ