Những Hạt Thiền



Từ lâu ẩn trong tôi lòng kính ngưỡng các bậc tăng ni, sâu sắc nhất là tôn vị “giáo thọ”. Những buổi thuyết pháp của các bậc giáo thọ đầy trí tuệ là những bài học uyên thâm, truyền đạt được những lời giáo huấn vi diệu của Đức Phật, để lại trong tâm người nghe cảm niệm sâu lắng, lòng ngưỡng mộ và ý chí tinh tấn tu tập.

Theo Phật Học, trong hàng phẩm vị của các bậc tăng ni, “giáo thọ” là “bậc thầy dạy đạo, truyền giáo cho đệ tử”. Bản sắc của Giáo Thọ là tâm linh Phật Giáo. Tự điển Phật Giáo có định nghĩa về “giáo thọ”. “Giáo thọ viết theo tiếng Phạn là A xà lê (Acarya). Giáo thọ là một trong ba bậc Tam sư: Hòa thượng, Kiết ma, Giáo thọ. Trong mỗi cuộc lễ truyền thọ giới thể xuất gia, phải có đủ ba vị ấy. Ngài “Hòa thượng” để bảo lãnh, dìu dắt trên đường tu. Ngài “Kiết ma” chỉ giới mạnh, luật lệ, chỉ cho biết để cư xử nơi chùa chiền và ngoài xã hội. Ngài “Giáo Thọ” lãnh phần dạy chữ nghĩa và đạo lý. Thời Ngũ tổ Hoằng Nhẫn làm Hòa thượng ngôi chùa Đông thiền tại huyện Hoàng Mai (Kỳ châu) có ngài Thần Tú lãnh quyền Giáo thọ, dạy chữ nghĩa và đạo lý cho tất cả chúng Tăng ở Chùa. Khi Ngũ tổ truyền cho mỗi vị sư làm Kệ dâng lên ngài thì ai nấy đều phó thác sự làm Kệ ấy cho Thần Tú là thầy Giáo thọ của họ. Chẳng thoái thác được, Thần Tú có làm bài Kệ bằng chữ Hán, ghi rằng:

‘Thân thị Bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Mạc sử nhạ trần ai’

Việt dịch:

"Thân là cội Bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải quét lau
Chớ để dính bụi bặm’” (1)



Khung cảnh thiền thất Chân Không có vẻ vừa quen vừa lạ. Thiền thất nằm ngay giữa một khu nhà ở, trên đường San Saba thuộc thành phố San Jose, tiểu bang California. Ngôi nhà được xây trên một triền dốc, kiểu nhà trên đồi, có hai tầng. Thiền thất nằm ở tầng trên, có lối riêng đi vào từ đường cái rất tự nhiên, chỉ cần qua vài bậc cấp. Trước đây, từ khi Đạo Tràng được thành lập vào năm 2000, địa điểm sinh hoạt đặt tại tư gia của thiền sinh Minh Như, trên đường Lucas - San Jose, cho đến năm 2007 thì chuyển đến địa chỉ này. Thiền thất hiện tại là một phần nhà ở của thiền sinh Thuần Như, thuộc đạo tràng Tánh Không San Jose. Ngay phút đầu tiên đến đây, tôi đã cảm thấy ấm áp như đang bước vào một nơi an trú. Bên trong trang trí đơn giản nhưng thanh tịnh, mọi trang bị đơn sơ vừa đủ tiện nghi.

Từ ngày 27 đến 30 tháng 7 năm 2011, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt, Khoá Giáo Thọ III – Lớp 1 được tổ chức tại đây.

Tham dự khoá học với tâm hết sức dè dặt, tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa và mục đích mở khoá giáo thọ cho thiền sinh cư sĩ của thầy Thiền Chủ. “Giáo Thọ” vừa không ra ngoài quy cách truyền thống, vừa “cấp tiến”, đáp ứng nhu cầu “Thiền Đi Vào Đời Sống Con Người” trong bối cảnh cuộc sống hiện đại thế kỷ thứ 21 theo dòng lịch sử phát triển của con đường tâm linh Phật Giáo. Ban giáo thọ cư sĩ sẽ được thành lập sau các khoá tu học chuyên đề “Giáo Thọ”. Người giáo thọ cư sĩ sẽ có dịp đóng góp công sức mình trong ban giáo thọ tuỳ theo khả năng của tự thân. Không phải ai tham dự khoá giáo thọ cũng có thể trở thành người đứng lớp để hướng dẫn pháp môn Thiền, cho dẫu đã nhận được chứng chỉ tốt nghiệp và đứng lớp. Hiểu được như thế, lòng ái ngại của thiền sinh cư sĩ học khoá giáo thọ trở nên nhẹ nhàng, an nhiên.

Năm 2007, khoá giáo thọ I được tổ chức cho tăng ni tại thiền viện trung ương, thành phố Perris, Nam California. Rồi khoá giáo thọ II tổ chức cho cư sĩ thuộc hai đạo tràng Pháp và Đức tại thành phố Stuttgart, nước Đức. Năm 2009, khoá giáo thọ III được tổ chức. Năm 2010, rồi 2011, khoá giáo thọ III được tiếp tục tổ chức. Chủ trương của thầy Thiền Chủ tổ chức các khoá giáo thọ II và III là đào tạo các cư sĩ có khả năng sẽ tiếp tục con đường tu học để trở thành người tiếp tay Thầy phổ biến pháp Thiền trong quảng đại quần chúng. Thiền sinh giáo thọ đã học các lớp Thiền Căn Bản, Bát Nhã trung cấp I, II và III sẽ tiếp tục học lớp Bát Nhã trung cấp IV và các lớp Tâm Lý Phật Giáo. Tuy nhiên, Thầy dạy: “tu học là tu hành”, điều quan trọng nhất là, như những hạt thiền, người giáo thọ phải “dụng công tu tập” để thể nhập và có thực thể nghiệm hoa trái của Thiền mới có thể hướng dẫn cho người khác một cách hữu hiệu. Lý thuyết hay kiến thức chỉ là “chiếc cầu”, “dụng công tu tập” mới chính là bản thể của Thiền học và tinh hoa của Phật giáo.

Nội dung khoá học nhấn mạnh: “chủ trương và đường lối, cách thực hành thiền Phật giáo, kiến thức trong thiền, cách tổ chức một lớp học thiền, đứng lớp và phương pháp giảng dạy của Thiền Tánh Không”. Qua đó, thiền sinh giáo thọ cảm nhận sâu sắc: “Thầy và pháp môn Thiền Tánh Không, ngộ - thể nhập - chứng nghiệm và vai trò của người hướng dẫn cũng như vai trò của đạo tràng” trên “con đường thiền chúng ta đi hôm nay”.

“Chủ Trương của Thiền Tánh Không chính là Thầy và Pháp môn”. Thầy nhấn mạnh: “Trong việc tu học, Pháp môn quan trọng hơn Thầy. Đức Phật khi còn là Thái Tử đã bỏ Thầy mà đi vì Thầy không có pháp môn đáp ứng với mục tiêu của Thái Tử. Nên chú trọng vào Pháp môn. Pháp môn là Pháp môn của Phật và phải thực hành theo phương thức của Pháp môn đó để có kết quả trong thời gian ngắn nhất.” Mục tiêu của Thiền là thoát khổ cho thân và tâm, trước khi giác ngộ. Những lời dạy trong Kinh, Luận là giềng mối tu tập của người thực hành thiền Phật giáo. Thiền có khả năng điều chỉnh một số thân bệnh và tâm bệnh, để con người sống hài hoà với môi trường chung quanh. Từ sự hài hoà thân tâm cá nhân, sự hài hoà này chuyển vào cuộc sống với người, với thời tiết và thiên nhiên. Hạnh phúc và an lạc cá nhân, gia đình và cộng đồng nằm trong nguyên lý thực tiễn này. Theo con đường Phật giáo, Thiền Tánh Không chủ trương không tín ngưỡng, và khẳng định Thiền không phải là một trường phái triết học.

Đường lối của Thiền Tánh Không theo sát tiến trình tu chứng của Đức Phật qua bốn tầng thiền, dùng các bài Kinh của hệ Nguyên Thuỷ đối chiếu với kiến thức khoa học hiện đại về não bộ để hướng dẫn thực tập và kiểm chứng kết quả thực hành thiền. Thầy nói, các khoá tu học được tổ chức trước hết là để đáp ứng nhu cầu con người trong đời sống hiện tại. Những áp bức, tranh chấp, bạo động do những xung khắc trong xã hội về tư tưởng, kinh tế, chính trị, chủng tộc, tôn giáo … thường xuyên xảy ra trong cuộc sống đã và đang đem đến khổ đau và bệnh cho thân tâm con người. Có hai đối tượng ban đầu cần được lưu ý. Khoá tu ngắn hạn hai ngày cuối tuần nhằm mục đích cải thiện sức khoẻ, hòa hài thân tâm. Khoá tu dài hạn, có thể mười ngày, dành cho những người muốn tìm hiểu và tiến sâu trên con đường Thiền.

“Cách thực hành Thiền” chủ yếu là “điều tâm” để có cái biết, tức là đánh thức sự có mặt của tánh giác. Cái “biết” này là cái biết của tánh giác. Chính “tánh giác” đem lại hài hoà thân tâm và phát huy trí tuệ. Tánh giác có sẵn trong mỗi người. Thực hành thiền là để khai triển tánh giác. Sự có mặt của tánh giác giúp người hành thiền vào định, tạo nên “định lực” và thắp sáng con đường tâm linh. Người hành thiền có định lực vững chãi và thường xuyên có thể đạt đến mục đích tối hậu của Thiền là “sự chứng ngộ”, là “tuệ giác”.

Giáo lý Phật “Đối Chiếu Tam Tuệ: văn, tư, tu” tức là “nghe, suy nghĩ, thực hành” được cụ thể hoá trong việc thực hiện “nguyên lý tác động-tác dụng” là lập trường mới trong thực hành thiền. Hiểu được nguyên lý ấy, người hành thiền sẽ tự tin, kiên nhẫn trong tu tập, quyết tâm trên con đường thiền. Có “bốn kiến thức căn bản” trong thiền, người thực hành sẽ dễ nhận ra cái “biết của tánh giác, sự hồi đáp sinh học trong thiền”, và biết cách dụng công để phát triển “định lực”.

“Kiến thức Phật học đóng vai trò quan trọng trong thực hành Thiền”. Trong khoá căn bản, thiền sinh học được một số kiến thức về Phật học qua các bài Kinh cốt lõi: Kinh “Nhất dạ hiền giả”, Kinh “Bàhiya”, Kinh “Vô ngã tướng” và qua các bài giảng về: “Tâm Trong Đạo Phật, Ngũ Uẩn, Tam pháp ấn ...”. “Pháp” là tinh tuý cô đọng mà người hành thiền có thể “ngộ” tức là nhận ra ý nghĩa rốt ráo trong Kinh - Luận, từ đó nương theo Pháp để dụng công. Hiểu biết về “Tiến Trình Tu Chứng” và “Tiến Trình Thành Đạo của Đức Phật”, người thực hành có thể nhận ra mình đang ở đâu trên con đường thiền.

“Kiến thức thiền học” giúp người hành thiền hiểu về thiền, cách thực hành và thành quả vi diệu của thiền. Thực hành Thiền theo bốn phương tiện của Phật dạy: “Quán, Chỉ, Định, Huệ” là để phát triển năng lực của “tánh giác” trên con đường tâm linh, đi đến giác ngộ, giải thoát.

Cơ chế tánh giác nằm ở vùng phía sau bán cầu não trái, gồm ba chức năng: “tánh thấy, tánh nghe và tánh xúc chạm”; trong ba tánh đó, mỗi tánh đều có chứa “tiềm năng giác ngộ”. Đặc tính của tánh giác là “biết hết tất cả môi trường chung quanh và những cảm giác bên trong” mà trong não không khởi ra một ý lời gì về sự “biết” đó. Danh từ khoa học gọi “tánh giác” là “vùng kiến giải tổng quát” (general-interpretative area). Thiền Tông gọi “tánh giác” là “ông chủ” bởi vì nó đóng vai kiến giải mà không có suy tính. Vì chức năng “kiến giải” này, “tánh giác” được xem là vùng giác tri tâm linh (spiritual area). Đặc biệt, khi có điều mà khả năng của “ý thức, ý căn và trí năng” bế tắc, mọi suy tính của “thần kinh tự ngã” đều dừng, thì “tánh giác” liền tự động kiến giải. Thông thường nhờ có một ngoại duyên tác động vào một trong ba căn: “mắt, tai, hay thân”, tức thì “sự kiến giải” bật ra ngay tức khắc. Cơ chế “tánh giác” nằm trong vùng ngộ (realization area) của não bộ. Trong Thiền Tông, Tổ Đạt Ma dạy môn đồ tiến thẳng vào “nhơn tâm hay Phật tâm” bằng phương thức “dẹp bỏ suy nghĩ” tức là thực tập “không lời” để “kiến tánh”. Chư Tổ Thiền Tông xem “tánh giác” như “hạt minh châu”. Trong Kinh Pháp Hoa, “tánh giác” được xem là “tri kiến Phật”. Trong Kinh Lăng Nghiêm, “tánh giác” được gọi là “chân tâm”.

Trong “tánh giác” chỉ có cái biết của tánh giác. Có “ba sắc thái biết: cái biết của ý thức, cái biết của ý căn và trí năng và cái biết của tánh giác” Cái “biết của ý thúc” và cái “biết của ý căn và trí năng” là cái “biết có ngã”. Đây là những cái biết có phân biệt so sánh, cái biết của suy nghĩ, suy luận, tạo nên ý nghiệp. Cái “biết của tánh giác” là cái biết vô ngã. Đây là cái biết như thật, không dính mắc vào đối tượng, “biết” mà không khởi một ý lời khen, chê nào trong tâm. Cái “biết của tánh giác là cái biết không lời”. “Vô ngã” chính là điểm xuất phát của con đường tâm linh Phật giáo.

Người thực hành cần nhận biết vai trò của Tâm trong thực hành thiền. Có tâm tỉnh ngộ và sáng suốt, người hành thiền mới nhận ra Pháp nào là Pháp của Phật và Tổ. Không cần phải “buông vọng” bởi khi “tánh giác” có mặt thì “vọng” tức thì vắng bóng. Tiến trình đạt được trong thực hành thiền đi từ “biết không lời, thầm nhận biết, tỉnh thức biết rồi đến nhận thức biết”. Thực tập thiền định lâu năm có thể tẩy sạch “tập khí/lậu hoặc, kiết sử, tuỳ miên” đã bám sâu trong não bộ để con người có thể sống an nhiên, tâm trí sáng suốt. “Ngộ, thể nhập và chứng nghiệm” không thể tách rời trong thiền. Khi đã “ngộ” lý, phải dụng công đều đặn để “thể nhập”, và sống thường trực với nó để “chứng nghiệm” về nó. Phải miên mật thực hành thêm nữa để có kinh nghiệm “thể nhập sâu sắc” hơn. Thể nhập càng sâu tinh tuý của lời Phật dạy thì kinh nghiệm tâm linh càng vững chắc. Cho đến khi:“Phàm tâm mất bóng, chân tâm hiển lộ”!

“Kiến thức khoa học” cần có mặt trong Thiền. Nền tảng cơ bản của Thiền Tánh Không là dùng “phương pháp đối chiếu” để phân tích và giải thích một cách khoa học “tác dụng của thiền đối với não bộ” đem đến kết quả hài hoà cho thân tâm và phát triển định lực của con người. Hiểu rõ tác động của “cơ chế vỏ não và cấu trúc não bộ” khi hành thiền, người thực hành sẽ dụng công đúng theo lời dạy của Phật và Tổ. Thực hành thiền sai có thể bị bệnh tâm thể.

Thiền là một nghệ thuật “huấn luyện tế bào não” để “điều tâm”! Trong mỗi phương tiện hành thiền, khi áp dụng mỗi kỹ thuật hay chiêu thức, người thực hành đều sử dụng não bộ của chính mình. Thực tập “sáu căn” tức là “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý” đừng dính mắc với “sáu trần” là “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp” có nghĩa là phải sử dụng giác quan và hệ thống thần kinh não bộ.

Trong hệ thống não bộ có “bốn trung tâm tiếp vận”. “Cơ cấu mạng lưới” (reticular formation) là trung tâm tiếp vận 1, nằm ở trong cuống não. Đây là cửa ngõ đi vào của “vọng tâm” và cũng là cửa ngõ đi vào của “chân tâm”. “Đồi thị” (thalamus) là trung tâm tiếp vận 2, gồm hai cơ chế nằm hai bên “bán cầu phải và trái”; bên dưới có “tuyến tùng” là trung tâm sức khoẻ của con người. “Dưới đồi” (hypothalamus) là trung tâm tiếp vận 3, nằm ở bên dưới “đồi thị”, là nơi tập trung cảm xúc và “các sắc thái tâm” (tâm đời) của con người. Nếu biết cách dụng công để “dưới đồi” yên lặng, thì tánh giác sẽ có mặt. Nói một cách khác, muốn “tu” có kinh nghiệm “định”, phải thực hành để làm cho “dưới đồi” yên lặng. “Precuneus” là trung tâm tiếp vận 4, nơi phát xuất tiềm năng giác ngộ hay Phật tánh, còn được gọi là “ngôi nhà tâm linh”.

Áp dụng đúng kỹ thuật làm “thư giãn tâm” bằng cái “biết không lời” sẽ tác động vào vùng “đối giao cảm thần kinh” và tức thì “tánh giác” có mặt. Ngay khi “tánh giác” có mặt, các chất sinh hoá học như: acetylcholine, dopamine, serotonin, melatonin … từ cuống não và các hệ thống tuyến nội tiết sẽ tiết ra, con người an lạc. Tập trung nỗ lực, tự kỷ ám thị, tưởng tượng, ép thân và tâm quá mức khi hành thiền tức là hành thiền sai sẽ tác động vào hệ “giao cảm thần kinh” làm tiết ra các chất như norepinephrine, epinephrine, glucagon, cortisol v.v. ... có thể gây ra những chứng bệnh tâm thể. Những lời dạy cao quý của Phật được sáng tỏ dưới ánh sáng khoa học.

“Kiến thức kỹ thuật thực hành” rất cần thiết trong thực hành thiền. Hiểu được ý nghĩa và giá trị của thiền đối với thân tâm và trí tuệ tâm linh mà thực hành lâu năm vẫn không làm sao dừng được niệm khởi thì người hành thiền chỉ lãng phí thời gian và công sức. “Lý thiền” rất cần cho người thực hành, nhưng chỉ có “dụng công” mới đem lại kết quả. Phải có kiến thức kỹ thuật thực hành mới biết cách dụng công. Đừng cố gắng xua đuổi vọng tưởng, bởi vì “ý niệm buông vọng” chính là “vọng tưởng”. Vọng tưởng chính là suy nghĩ, là “sự nói thầm” trong não. “Suy nghĩ” đối nghịch với “thiền”. Thực hành thẳng vào tánh giác là cách dụng công trực tiếp để “tánh giác” có mặt. Có “tánh giác” thì không có “suy nghĩ”, hay khổ đau, từ đó người hành thiền an lạc và sáng suốt. Tổ Đạt Ma nói: “Không suy nghĩ về bất cứ việc gì, đó là Thiền. Một khi người biết việc này: đi, đứng, nằm, ngồi, mọi việc người làm đều Thiền. ‘Biết’ như thế là ‘tâm trống không’, tức là thấy Phật.” (2) Thực hành thiền là dụng công để có cái “biết không lời”, tức là tâm không có suy nghĩ, không có một lời nói thầm trong não.

Toạ thiền với chiêu thức “thở” hay thực tập “không nói” là bước đầu trong thực hành của dòng Thiền Tánh Không. Qua hai phương pháp này người mới thực hành thiền sẽ có nhận thức bước đầu và có thể đạt được “niệm biết có lời” tức là “định có tầm không tứ”, rồi tiếp theo là “niệm biết không lời” tức là “định không tầm không tứ”.

Không phải chỉ “tĩnh toạ”, người hành thiền cần hiểu dụng công “bốn oai nghi” sẽ tác động vào nội tạng, tâm tánh và trí tuệ con người tạo nên “định lực” trong tiến trình thực hành thiền. Thực tập để có cái “biết không lời” trong mọi sinh hoạt đời sống “đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, làm việc …” sẽ đem đến kết quả là “giới tướng” biểu lộ qua phong thái nhẹ nhàng, tự tại, nét mặt tươi sáng, an lạc của người hành thiền. Trong “Nẽo Vào Thiền Học” khi nói về việc thực hành “bốn oai nghi” có ghi rằng: “Điều đó không phải là một điều mà chỉ những kẻ mới nhập môn phải thực hành. Điều đó những bậc đại ngộ như Phật vẫn phải thực hành. ‘Định lực’ và sức mạnh tâm linh là những gì tạo nên đặc tính của những bậc vĩ nhân của nhân loại.” (3) Trong các phương tiện thực hành thiền: “Quán, Chỉ, Định, Huệ” đều có các các chiêu thức và kỹ thuật thực hành, thích hợp cho từng căn tánh. Nói chung, có nhiều chiêu thức và kỹ thuật trong thực hành thiền. Tất cả mọi chiêu thức và kỹ thuật đều dựa vào một trong sáu căn: “mắt, tai, da, mũi, lưỡi hay ý” để dụng công. Nếu có quyết tâm đi vào con đường thiền, người thực hành phải nắm vững các chiêu thức và kỹ thuật.

Từ hơn nửa thế kỷ trước và có thể còn xa lâu hơn thế, các bậc thiền giả đã bước sang giai đoạn hiểu được tinh thần “phương tiện” của đạo Phật. Khẩu lệnh của Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” đã được người thực hành thiền hiểu: “Đó là những phương tiện mãnh liệt để đưa người ta trở về với tinh thần trọng thực nghiệm và huý kỵ huyền đàm của Đạo Phật.” (4) “Trong Kinh Viên Giác có câu ‘Nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ’ nghĩa là tất cả những giáo lý giảng bày trong các kinh điển đều là ngón tay chỉ mặt trăng. Chân lý ví như mặt trăng, giáo lý ví như ngón tay chỉ về mặt trăng, đừng lầm ngón tay với mặt trăng, giáo lý với chân lý. Ngón tay, cũng như giáo lý, là những phương tiện … Ngôn ngữ là một trong những phương tiện hướng dẫn hữu hiệu để đưa thiền sinh vào được thế giới giác ngộ.” (5) Người hành thiền cũng đã thấy được những liên hệ truyền thống giữa Thiền với Phật giáo Nguyên thuỷ và nhất là với Phật giáo Đại thừa trong sự phát sinh và trưởng thành của Thiền học. Thật vậy, từ lâu xa về trước, đã có quan niệm “phá chấp” về sự có mặt và phát triển của Thiền trong xã hội Tây Phương: “Thiền là một sự sáng tạo, không thể là một sự bắt chước. Nếu Thiền cắm rễ được ở Tây phương, Thiền sẽ mang một sinh lực mới, một hình thái mới phù hợp với Tây Phương.” (6)

Cho đến nay, dòng Thiền Tánh Không là một chứng minh: “Thiền học Đông phương không đứng tách rời với đời sống con người qua từng thời đại.”

Như tất cả những lần kết thúc khoá học, Thầy Thiền Chủ dùng câu hỏi trắc nghiệm để khắc sâu những điều đã dạy trong buổi tổng kết. Với phương pháp “hồi đáp” này, các câu hỏi được chọn đều nhắm vào nội dung cốt lõi của từng chủ đề đã được giảng dạy. Đây là những chủ điểm quan trọng Thầy đã nhấn mạnh khi giảng và lặp lại nhiều lần, trải rộng trong nhiều bài có liên quan với nhau qua nhiều khoá học và xuyên suốt tất cả bốn kiến thức đã học và thực hành.

Trọng điểm của khoá thiền căn bản là cái “biết không lời”. Có “ba sắc thái biết”. Cái “biết không lời” là cái “biết của tánh giác”, cái biết không có một vọng niệm nào. Đây là cái biết vô ngã. “Thở” và “không nói” là hai chiêu thức thực hành trong giai đoạn đầu để có cái “biết không lời”. “Cái biết không lời” là khởi điểm và cũng là cốt tuỷ của phương pháp hành Thiền Phật giáo. “Không nói” là “chiếc chìa khoá” để thiền giả đi vào “ngôi nhà tâm linh”, tức cơ chế “precuneus”.

Thầy dạy, người giáo thọ, trước hết, phải nhớ lời Phật dạy mà “đối cơ thuyết pháp”. Phải dựa vào “Thanh Quy” để theo đúng “chủ trương và đường lối của Thiền Tánh Không” khi đảm nhận công việc. “Giới tướng” rất cần có cho một lớp học thiền, nhất là với người đứng lớp. Thực hành thiền định là phải “giữ giới”, “tuệ cùng đi với định”, “tâm cùng đi với tuệ”. Ngoài ra, tập Khí Công là một phần trong công việc chính của Ban Giáo Thọ cũng như Đạo Tràng của mỗi địa phương. “Khí Công” hỗ trợ đắc lực trong thực hành thiền.

Ban Giáo Thọ hay Đạo Tràng phải biết cách tổ chức một lớp học thiền. Người giáo thọ đứng lớp cần có kiến thức và kinh nghiệm tương đối vững chắc và có kỹ năng hướng dẫn lớp học đúng phương pháp. Nắm vững nguyên tắc hướng dẫn một lớp học mới làm tròn được công việc của người đứng lớp. Phương pháp dạy chính là “thính thị và hồi đáp”. Dùng sơ đồ để trình bày sự tương tác giữa thực hành thiền và não bộ giúp cho cách hướng dẫn và sự tiếp thu dễ dàng hơn. Mỗi buổi hướng dẫn cần có một “chủ đề” rõ ràng. Trước khi thực hành, mỗi chủ để phải được trình bày, giải thích thông suốt về “định nghĩa, chức năng, tác dụng và thành quả” của chủ đề. Phải soạn bài kỹ lưỡng, xác định nhu cầu của đối tượng, quán xuyến lớp học, truyền đạt đúng nội dung dựa trên bốn kiến thức: “Phật học, thiền học, khoa học, và kỹ thuật dụng công”. Lý thuyết gắn liền với thực hành, ôn tập và câu hỏi trắc nghiệm cần phải có trong mỗi khoá học.

Trong khoá học ngắn hạn 2 ngày, mục đích việc hướng dẫn là giúp đối tượng hiểu và thực hành có kết quả bước đầu là có thể tự điều chỉnh để cân bằng thân tâm. Người đứng lớp phải nắm được những bước căn bản về “sự tương tác giữa tâm – pháp – và não bộ và hồi đáp sinh học trong thiền” để hướng dẫn đúng cách thực tập.

Khác với những khoá học đã tham dự, trong buổi lễ bế giảng, mỗi thiền sinh giáo thọ được Thầy trao tặng một chứng chỉ và một cái USB “Giáo Thọ only”. Thầy nói, đây là “bửu bối” gồm những bài giảng, bài đọc thêm và các sơ đồ … chỉ dành riêng cho các con. Các con hãy tiếp tục học các lớp cao hơn và phải dụng công đều đặn để thể nhập, và chứng nghiệm. Từ đó, những hạt thiền mới thành những hạt giống, nẩy mầm, tiếp nối con đường thiền chúng ta đi hôm nay. Thầy trầm giọng hỏi, các con có biết, tại sao “Trước khi Phật lìa đời, Ngài đã dặn dò đệ tử, được ghi lại trong bài Kinh “Đại Bát Niết Bàn”. Ngài yêu cầu họp thường xuyên. Ngài dặn trước khi họp phải đoàn kết, sau cũng phải đoàn kết, sau cùng cũng phải đoàn kết! Tại sao bài Kinh này được xem là bài Kinh quan trọng nhất?” Cả lớp yên lặng. Tất cả đều hiểu là thầy nhấn mạnh sự quan trọng của tinh thần đoàn kết trong đời sống nói chung, trong sinh hoạt với đạo hữu, và đặc biệt là trong Đạo Tràng.

Mong rằng, trong chúng tôi sẽ không ai quên những lời thầy căn dặn. Riêng tôi, những ngày tu học dưới mái ấm của đạo tràng Tánh Không San Jose tại thiền thất Chân Không đã để lại một dấu ấn trong tâm. Dấu ấn này không phải chỉ là tinh thần vui vẻ hài hoà trong sinh hoạt, sự chăm sóc chu đáo của các anh chị em đối với nhau, hay những món ăn chay ngon tuyệt thật đáng biết ơn. Dấu ấn này là tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của mỗi thành viên đã tạo nên sức mạnh của đạo tràng. Theo tôi, “ban giáo thọ” không thể tách rời với đạo tràng. Đặc biệt, “người giáo thọ” phải gắn liền với đạo tràng mới mong góp chút công sức nhỏ nhoi của bản thân cho công việc lớn mà Thầy đã tin tưởng giao phó.

Cảm niệm sâu sắc trong tôi sau khoá học là hình ảnh Thầy trong sắc áo vàng ươm và tuổi hạc đã chín muồi. Tôi không ngạc nhiên tại sao trong số những thiền sinh theo đuổi các khoá tu học rất đều đặn và đạt kết quả tốt, đa số là những người hiếu học hay bản thân đã có vốn kiến thức và kinh nghiệm về khoa học. Thật vậy, học Phật đã lâu, nhưng mãi cho đến khi được tiếp cận với Thiền Tánh Không tôi mới biết tự tay “Thắp Sáng Con Đường Em.” (7)

Tôi sẽ không quên ý niệm về Những Hạt Thiền và những lời dạy ân cần quý báu của Thầy Thiền Chủ.

Nguyễn thị Yến
Sacramento, Mùa Vu Lan 2011
________________________

Ghi chú:

(1) Phật học online & “Tổ Thiền Tông”, Thích Thanh Tử, PL 2533 – 1989;
(2) Bài giảng của Thầy Thiền Chủ;
(3) (4) (5) & (6) “Nẻo Vào Thiền Học” Nhất Hạnh, 1971 – NXB Lá Bối;
(7) “Thắp Sáng Con Đường Em” Thơ Uyên Nguyên, Nhạc Ngô Hữu Hùng