Một Khám Phá Mới Mẻ và Cách Thực Hành Thiền Rất Độc Đáo
Hai ngày trước khoá chuyên tu chính thức về Thiền1 dưới sự hướng dẫn của Thầy Thông Triệt, sư cô Triệt Như giảng tổng quát 4 phương pháp Thiền: Quán, Chỉ, Định và Huệ cho học trò mới như chúng tôi, ôn cho người đã học qua và dạy phương pháp Thiền Chỉ. Sau đó trong trọn một tuần lễ, chúng tôi học lý thuyết và thực tập về Thiền Định.
Chúng tôi thấy mình phải tôn vinh phương thức giảng dạy2 của Thầy là cách mạng. Theo chương trình này, Thầy dạy:
- 4 ngày đầu: Định có tầm không tứ
- 3 ngày kế tiếp: Định không tầm không tứ
- Những ngày còn lại: Định chánh niệm tỉnh giác, nghĩa là Chân như Định hay Vô tướng Định hoặc Vô trụ Định, và Không Định
Mỗi ngày vào sáng sớm trước khi điểm tâm và chiều trước giờ ăn và giờ ngồi thiền: tập khí công (tĩnh công và nội lực). Ngoài ra là thiền hành thực tập lý thuyết vừa học trong khu rừng nhỏ bao quanh nơi chúng tôi trọ học.
LÝ THUYẾT
Thầy vẽ ra vị trí, phác thảo sơ đồ của cái vô hình mà chúng tôi mơ hồ nghe thấy, tìm kiếm từ thời trung học.
Hình ảnh hai bàn tay Thầy đưa ngang và hạ xuống khi Thầy dạy chúng tôi thực tập thở hai thì hoặc thầm hiểu cái Biết Không Lời, được khắc sâu vào tâm trí chúng tôi như cái mã số mà Thầy dặn "để dành" cho vào ký ức. Cái mơ hồ và vô hình ấy bây giờ gần như ai cũng có thể nhìn thấy, thậm chí sờ chạm được! Những vọng tâm, kiết sử, tuỳ miên, lậu hoặc... bây giờ hết trừu tượng xa vời mà tưởng như mình có thể nắm lấy và có thể dễ dàng giũ bỏ được kể từ nay! Thật phi thường!
Cho nên sau mỗi phần lý thuyết, hỏi và ôn đi ôn lại, biết chắc học trò đã hiểu rõ, Thầy dạy thực hành.
Con đường tắt có vẻ dễ dàng, giản dị, mời gọi và hứa hẹn! Bản đồ, chìa khoá Thầy đưa cho. Bây giờ chúng tôi bắt đầu…ra khỏi nhà, học bản đồ, sửa soạn hành lý.
Như thế, ngoài nói, nghe như trên, chúng tôi kích thích tánh Thấy với niệm biết qua mắt (nhìn chữ Không Nói) và tánh Xúc chạm bằng phương pháp thở, đây là các giai đoạn phải qua trong các tiến trình biết không lời để học cách ghi nhận vào ký ức cái trạng thái Biết ấy. Đó là một trong những cách thức tác động vào các giác quan để tạo sự phản xạ đưa đến cái Biết không lời.
Khi Thiền với kỹ thuật tác động đúng, các phản ứng sinh học của trục liên hệ nói trên (tâm-pháp-não-tuyến nội tiết-hệ thần kinh) sẽ tự động diễn ra theo chiều hướng thuận lợi cho cơ thể trong trạng thái "tĩnh". Trạng thái cân bằng của thân tâm hài hoà sẽ khiến cuộc sống ta cũng hài hoà với môi trường xung quanh. Từ đó nếu tiếp tục miên mật miệt mài ta dần dần đi đến tỉnh ngộ, chuyển đổi nhận thức, chuyển hoá tâm thức, dần dà phát huy tuệ trí tâm linh... Một sự chuyển hoá trực tiếp!
Chúng tôi biết vì sao đã dám dùng chữ cách mạng mà chúng tôi vẫn hiểu theo nghĩa thông thường của phương Tây để chỉ cái gì thật độc đáo, mới mẻ chưa từng có, đem lại thay đổi tốt đẹp cho số đông. Nhưng vì hai chữ này đã mất ý nghĩa tốt đẹp nguyên thuỷ; thêm vào đó Thầy có dạy rằng học/hành Thiền là tập cách không dùng trí thức (ý căn, ý thức, trí năng) để không bị (cái ta) chi phối bằng óc suy luận, tâm chấp trước, để không dính mắc vào nhị nguyên tốt xấu, phải trái... nên chúng tôi đành dùng chữ thật khiêm cung của Thầy để nói về khám phá lớn của Thầy:
A. Quan niệm mới, lập trường mới, và kỹ thuật mới
Kỹ thuật mới là giúp thiền sinh đi thẳng vào cơ chế tánh giác, như vừa nói ở trên, đi thẳng để điều chỉnh hoặc chữa bệnh thân tâm nói theo Thầy là "chữa lửa" trong khoảng thời gian tương đối ngắn, hay "mì ăn liền" như đã nói ở trên "không thông qua" giáo điều (trước mắt là thế, cho đỡ đói, nhưng dĩ nhiên, ở phần sau, chúng ta sẽ thấy không thể cứ mì ăn liền ngày này qua ngày nọ!)
B. Khí công
Khí công của Thầy không dùng sức mạnh, khi chú tâm vào một vùng cơ thể thì gồng bắp thịt nơi đó, vừa nén hơi thở (trong khoảng thời gian dài gấp bốn lần nạp khí) và cuối cùng thư giãn khi thở ra (kéo dài gấp hai lần nạp khí). Trong thế thở nội lực, ép mạnh hai tay vào nách để kích thích các hạch bạch huyết cầu trong hệ thống ngoại vi để tăng cường tính miễn nhiễm. Tóm lại, cứ hít vào rồi gồng cơ và nén, xong thả lỏng cơ thở ra, cứ như vậy liên hoàn, sau cùng thư giãn cuối thời. Tập môn khí công làm máu lưu thông, và luân phiên kích hoạt hai hệ thống thần kinh Giao cảm và Đối Giao cảm. Sự quân bình hai hệ thống này giúp chữa trị một số bệnh tâm thể sinh ra do sự sử dụng thái quá hệ giao cảm trong cuộc sống.
Chúng tôi trước đây có duyên lớn nên đi học5 cách thở, cách đi, học cách luyện thân, cách thư giãn, cách dùng hơi thở để nối liền thân và tâm, học Quán, học Chỉ, học chuyển hoá thân yếu ra thân ít yếu hơn hoặc khoẻ, tâm ích kỷ ra tâm bớt ích kỷ, để tiến dần đến tâm từ bi, tâm phụng sự, tập luyện cho có được sự hài hoà thân tâm trong cuộc sống và môi trường xung quanh vân vân. Thì đến nay chúng tôi có duyên đẹp được Thầy Thông Triệt trao cho thêm một chiếc chìa khoá để học và hành Thiền6.
NÓI HAY KHÔNG NÓI
KHI NÀO NÓI, KHI NÀO KHÔNG NÓI ?
Rất tiếc vì hết ngày nghỉ, chúng tôi không thể ở lại thêm nên chỉ học được hai phần đầu. Tuy vậy cũng cảm nhận được khá dễ dàng, rõ ràng ý nghĩa và phương pháp của Thầy (một phần nhỏ có lẽ vì chúng tôi đã đọc nhiều bài trên các trang mạng của Tánh Không Thiền Viện). Như để an ủi chúng tôi, Thầy dạy rằng Định không tầm không tứ là cửa ngõ vào đất Phật, là nền tảng của tất cả các Định.
LÝ THUYẾT
Sau khi định nghĩa Định là cái Biết không lời, là cái Biết mà (của) tâm không dính mắc. Thầy chỉ thẳng vị trí vùng não bộ mang chức năng Biết Vô Ngôn trên não bộ. Thầy chỉ luôn mối dây tương tác giữa Thiền với thân tâm và não bộ cũng như giữa Thiền với các hệ thần kinh và các tuyến nội tiết ở trong và bên ngoài não bộ. Thì ra điều khiến chúng tôi cực kỳ ngạc nhiên thán phục và thích thú là Thầy dùng kỹ thuật khoa học hiện đại để chứng minh phương pháp Thiền vạn cổ nói trên của đức Phật là có cơ sở khoa học. Chỉ cần dùng chiêu thức và kỹ thuật tác động cho đúng thì chúng ta, dù là con Phật hay không, đều có thể tìm thấy lại con đường Phật đã đi qua. Thầy chỉ ra phương pháp để mọi người có thể đến cửa ngõ của con đường ấy.
Thầy vẽ ra vị trí, phác thảo sơ đồ của cái vô hình mà chúng tôi mơ hồ nghe thấy, tìm kiếm từ thời trung học.
Hình ảnh hai bàn tay Thầy đưa ngang và hạ xuống khi Thầy dạy chúng tôi thực tập thở hai thì hoặc thầm hiểu cái Biết Không Lời, được khắc sâu vào tâm trí chúng tôi như cái mã số mà Thầy dặn "để dành" cho vào ký ức. Cái mơ hồ và vô hình ấy bây giờ gần như ai cũng có thể nhìn thấy, thậm chí sờ chạm được! Những vọng tâm, kiết sử, tuỳ miên, lậu hoặc... bây giờ hết trừu tượng xa vời mà tưởng như mình có thể nắm lấy và có thể dễ dàng giũ bỏ được kể từ nay! Thật phi thường!
Dĩ nhiên, muốn thực hành Thiền, Thầy nói phải có những điều kiện cần và đủ: có nhu cầu thiết thân, thật sự muốn đến với Thiền, thấu hiểu lý thuyết rồi thực tập đúng… Vì một khi đã nhận rõ/ngộ (lý thuyết/pháp) thì phải thực hành để đi đến thể nhập (lý/pháp) và hoàn tất cuộc hành trình bằng chứng nghiệm trên thân tâm và trí tuệ tâm linh của chính mình.
Cho nên sau mỗi phần lý thuyết, hỏi và ôn đi ôn lại, biết chắc học trò đã hiểu rõ, Thầy dạy thực hành.
Chúng tôi tập dùng các giác quan của tâm phàm phu để "khám phá" ra cái Biết Vô Ngôn là cái Biết của Tánh Giác, cái Biết không lời, không thông qua suy luận diễn giải theo ta cho dù nó có khởi động hay đến từ các mô thức tri giác (căn/giác quan ta). "Ta" vẫn biết nhưng là cái biết không phân biệt, không so sánh, không khái niệm từ ngữ, không âm thanh, không hình ảnh, ký ức của cái ta! Thầy chỉ thẳng cái Biết vô ngôn đó nằm sau bán cầu não trái, gần các vùng thu nhận cảm thọ các giác quan: nghe, thấy, xúc chạm.
Con đường tắt có vẻ dễ dàng, giản dị, mời gọi và hứa hẹn! Bản đồ, chìa khoá Thầy đưa cho. Bây giờ chúng tôi bắt đầu…ra khỏi nhà, học bản đồ, sửa soạn hành lý.
THỰC HÀNH
Ngày đầu tiên chúng tôi học về nguồn gốc Thiền. Qua ngày sau là thực tập vào tầng Thiền sơ định bằng phản xạ giác quan: kích thích thị giác, thính giác và xúc giác. Ba tánh Thấy, tánh Nghe và tánh Xúc chạm thuộc cơ chế tánh giác đã được khoa thần kinh não bộ định vị và chứng nhận gần đây.
Học Biết nghe, bằng nhiều cách, theo thứ tự: nói Không Nói ra tiếng, nói Không Nói không ra tiếng hoặc nói thầm Không Nói giữa hai nhịp chuông gõ và sau đó thầm nhận biết Không Nói, rồi tỉnh thức biết mà không có nội dung của Không Nói. Giai đoạn cuối là đến lượt kích thích tánh nhận thức biết để có cái Biết như vậy: Biết Chân Như. Những cái biết này là biết của tánh giác, khác với cái biết của tâm phàm phu. Cái biết của tâm phàm phu là cái biết do ý thức, ý căn, và trí năng để tìm tòi, suy luận, so sánh, chọn lọc vân vân.
Như thế, ngoài nói, nghe như trên, chúng tôi kích thích tánh Thấy với niệm biết qua mắt (nhìn chữ Không Nói) và tánh Xúc chạm bằng phương pháp thở, đây là các giai đoạn phải qua trong các tiến trình biết không lời để học cách ghi nhận vào ký ức cái trạng thái Biết ấy. Đó là một trong những cách thức tác động vào các giác quan để tạo sự phản xạ đưa đến cái Biết không lời.
Khi Thiền với kỹ thuật tác động đúng, các phản ứng sinh học của trục liên hệ nói trên (tâm-pháp-não-tuyến nội tiết-hệ thần kinh) sẽ tự động diễn ra theo chiều hướng thuận lợi cho cơ thể trong trạng thái "tĩnh". Trạng thái cân bằng của thân tâm hài hoà sẽ khiến cuộc sống ta cũng hài hoà với môi trường xung quanh. Từ đó nếu tiếp tục miên mật miệt mài ta dần dần đi đến tỉnh ngộ, chuyển đổi nhận thức, chuyển hoá tâm thức, dần dà phát huy tuệ trí tâm linh... Một sự chuyển hoá trực tiếp!
Chúng tôi biết vì sao đã dám dùng chữ cách mạng mà chúng tôi vẫn hiểu theo nghĩa thông thường của phương Tây để chỉ cái gì thật độc đáo, mới mẻ chưa từng có, đem lại thay đổi tốt đẹp cho số đông. Nhưng vì hai chữ này đã mất ý nghĩa tốt đẹp nguyên thuỷ; thêm vào đó Thầy có dạy rằng học/hành Thiền là tập cách không dùng trí thức (ý căn, ý thức, trí năng) để không bị (cái ta) chi phối bằng óc suy luận, tâm chấp trước, để không dính mắc vào nhị nguyên tốt xấu, phải trái... nên chúng tôi đành dùng chữ thật khiêm cung của Thầy để nói về khám phá lớn của Thầy:
A. Quan niệm mới, lập trường mới, và kỹ thuật mới
Quan niệm mới, lập trường mới vì Thầy sử dụng kiến thức khoa học thời đại để chứng minh tính thực nghiệm chính xác của pháp Phật nguyên thuỷ mà Thầy áp dụng từ bấy lâu nay và chứng minh mối liên hệ tương tác, phản xạ, giữa phương pháp Thiền này với thân và tâm, nói rõ hơn là trên thân và não bộ với hệ thần kinh và các tuyến nội tiết. Và vì biết rõ nguyên lý tác động - tác dụng, kết quả giữa các liên hệ ấy, ta có thể tác động đúng cách khiến thân tâm hài hoà, loại bỏ được tập khí, lậu hoặc, thành kiến đã tích luỹ, tiềm tàng, chi phối ta từ bao nhiêu đời, kiếp. Ta luyện tập để làm chủ sự suy nghĩ, làm chủ được tâm ngôn qua các chiêu thức và kỹ thuật. Nghĩa là học cách đi đường tắt. Học cách chứng ngộ từ bên trong tánh giác bằng tác động thẳng vào các chức năng tánh giác là tánh Nghe, tánh Thấy, tánh Xúc chạm và tánh Nhận thức.
Tưởng, Hành và Thức bị chận lại ngay khi thân vừa cảm thọ! Tâm phàm phu bị giới hạn trong vùng đất dụng võ, nhường chỗ cho Tánh giác, tuệ trí phát triển. "Ta chuyển được nghiệp mà không thông qua giáo điều."3 Nếu chư tổ Thiền Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Năng, Huệ Khả và các vị đại Thiền sư Trí Nhàn, Quy Sơn... sống lại4, chúng ta có thể thú vị tưởng tượng ra cuộc đối thoại giữa các Ngài với sự kiến giải của Thầy Thông Triệt về nơi chốn các tổ cất/lấy tâm hay thấy được bản lai diện mục trước khi cha mẹ sinh ra.
Kỹ thuật mới là giúp thiền sinh đi thẳng vào cơ chế tánh giác, như vừa nói ở trên, đi thẳng để điều chỉnh hoặc chữa bệnh thân tâm nói theo Thầy là "chữa lửa" trong khoảng thời gian tương đối ngắn, hay "mì ăn liền" như đã nói ở trên "không thông qua" giáo điều (trước mắt là thế, cho đỡ đói, nhưng dĩ nhiên, ở phần sau, chúng ta sẽ thấy không thể cứ mì ăn liền ngày này qua ngày nọ!)
B. Khí công
Đầu ngày và cuối ngày chúng tôi tập khí công dưới sự hướng dẫn của sư cô Triệt Như. Tại sao lại học khí công khi chuyên tu Thiền Định? Để có sức khỏe, ngồi lâu, thư giãn được... Môn khí công và Thiền có liên hệ mật thiết với nhau. Tổ sư Thiền thứ nhất của Trung Hoa, Bồ Ðề Ðạt Ma là người lập ra môn khí công nổi tiếng Dịch Cân Kinh để các sư tại Thiếu Lâm Trung Sơn có đủ sức khoẻ theo đuổi việc Thiền và tu tập trên núi. Phương trượng đời cuối cùng của Thiếu Lâm Tự, là Hải Ðăng Ðại Sư, một Thiền Sư nội công rất cao. Ngày nay ta có thể xem phim ông biểu diễn đặt cả thân người đứng ngược đầu trên chỉ một ngón tay. Cho nên tập khí công cùng với Thiền là việc hợp lý cho thân tâm hài hoà, cùng chuyển hóa. Cuối phần tập Ðịnh Không Tầm Không Tứ, Thầy còn dạy thêm một thế khí công đem khí huyết lên đỉnh đầu. Riêng thế Phất Thủ, tục truyền vốn là một công phu do Bồ Ðề Đạt Ma truyền dạy, Thầy hướng dẫn bốn thế khác nhau có hiệu lực trị bịnh tim mạch, điều hòa huyết áp (xem DVD Khí công của Thiền Viện Tánh Không).
Khí công của Thầy không dùng sức mạnh, khi chú tâm vào một vùng cơ thể thì gồng bắp thịt nơi đó, vừa nén hơi thở (trong khoảng thời gian dài gấp bốn lần nạp khí) và cuối cùng thư giãn khi thở ra (kéo dài gấp hai lần nạp khí). Trong thế thở nội lực, ép mạnh hai tay vào nách để kích thích các hạch bạch huyết cầu trong hệ thống ngoại vi để tăng cường tính miễn nhiễm. Tóm lại, cứ hít vào rồi gồng cơ và nén, xong thả lỏng cơ thở ra, cứ như vậy liên hoàn, sau cùng thư giãn cuối thời. Tập môn khí công làm máu lưu thông, và luân phiên kích hoạt hai hệ thống thần kinh Giao cảm và Đối Giao cảm. Sự quân bình hai hệ thống này giúp chữa trị một số bệnh tâm thể sinh ra do sự sử dụng thái quá hệ giao cảm trong cuộc sống.
Chúng tôi trước đây có duyên lớn nên đi học5 cách thở, cách đi, học cách luyện thân, cách thư giãn, cách dùng hơi thở để nối liền thân và tâm, học Quán, học Chỉ, học chuyển hoá thân yếu ra thân ít yếu hơn hoặc khoẻ, tâm ích kỷ ra tâm bớt ích kỷ, để tiến dần đến tâm từ bi, tâm phụng sự, tập luyện cho có được sự hài hoà thân tâm trong cuộc sống và môi trường xung quanh vân vân. Thì đến nay chúng tôi có duyên đẹp được Thầy Thông Triệt trao cho thêm một chiếc chìa khoá để học và hành Thiền6.
Quá vui mừng sung sướng, nên xin phép cãi Thầy một chút xíu, cho chúng tôi hai đứa bươi óc, tìm kiếm, dài dòng suy nghĩ, rắc rối biện luận, sắp đặt, so sánh và trình bày, báo cáo... vân vân, nghĩa là sử dụng khá nhiều phần não phía trước để viết ra bài này. Nói rằng cãi Thầy bởi vì Thầy đã dặn đi dặn lại: KHÔNG NÓI ! Không nói để quay lại với cái bên trong, với bản lai diện mục, với cái tánh giác.
NÓI HAY KHÔNG NÓI
- Con người sống trên trái đất đã qua không biết bao nhiêu a tăng kỳ kiếp, đến nay đã trên dưới hai triệu năm, với thuở ban đầu bằng đôi ba "tiếng ngu ngơ" nguyên thuỷ (thứ tiền-ngôn-ngữ protolangage đơn sơ nhiều cử động diễn tả hơn là có âm thanh) mà chỉ từ vài trăm ngàn(?) đến ba chục ngàn năm nay, nhân loại "nói năng, chuyện trò" rôm rả với nhau bằng tiếng nói có câu cú rõ ràng, với cấu trúc phức tạp, nghĩa ẩn nghĩa hiện, ý tứ thâm trầm, uyển chuyển tế nhị vân vân và học "dễ dàng" tiếng nói của nhau. Con người không ngừng dùng tiếng nói (và sau đó là chữ viết) để suy tư, tranh luận, truyền đạt, trao đổi tin tức, ý tưởng, tình cảm, kiến thức... để xây dựng và kiện toàn cuộc sống.
- Nhờ tiếng nói, nhân loại không ngừng phát triển mọi mặt của đời sống: vật chất cũng như văn hoá, xã hội và tâm linh... Trong đời sống thường ngày, cho cá nhân và tập thể, từ mối giao dịch quốc nội cho đến quốc tế, tiếng nói trở thành một công cụ tối cần thiết, nhiều khi là vũ khí ghê gớm nữa.
Vậy mà bây giờ Thầy biểu KHÔNG NÓI !
- Thiết nghĩ trong xã hội các nước ngày nay, các trường ít nhiều đều có lớp dạy/thi hùng biện để luyện tập, khuyến khích, tuyển chọn người có tài ăn nói; người nói năng vụng về, cà lăm, câm (bị xem) là có khuyết tật. Việc phòng ngừa, chữa các bệnh liên quan đến tiếng nói, cách phát âm đều có trong các chương trình y tế các nước.
- Mỗi khi có tranh chấp (chủ/thợ, cha mẹ/ con cái, quốc gia/quốc tế) hay vấn đề liên quan đến đời sống, người ta hay khuyên nên gặp gỡ thảo luận bằng lời nói trước khi hành động.
- Người ăn nói hay/giỏi thường dễ được trọng vọng, tin tưởng, thậm chí được nhiều ủng hộ (chính trị gia) hơn người nói ít, nói dở, nói cà lăm vân vân và khi họ (người giỏi lẫn người dở) lên làm lãnh tụ thì lời nói càng thêm nặng ký: Miệng nhà quan có gang có thép kia mà! Nói bậy hay nói xạo cũng có người (bị) nghe.
- Có giả thuyết cho rằng sở dĩ con người từ thời nguyên thuỷ "không biết nói" đi dần đến chỗ "biết nói" và "nói giỏi" là nhờ (bộ) óc tò mò.
- Vì tò mò, con người phát huy các giác quan và đầu óc, nhất là khả năng ghi nhớ cùng suy luận. Khả năng này cần thiết cho sự sinh tồn trong các môi trường thiên nhiên đầy hiểm nguy và nhiều lúc rất khắc nghiệt vào thời cổ đại (hạn hán, mưa, lụt...) cũng như trong các cuộc tranh đấu, tranh chấp giữa các cá nhân, giữa các bộ lạc, giữa các quốc gia cho đến hôm nay. Trong khi đó biết bao loài sinh vật khác đã tuyệt giống. Phải chăng vì các loại thú này không (biết cách) tăng trưởng trọng lượng và phẩm chất sọ não (nói năng) như loài người?
- Kết quả nghiên cứu sọ người thời nguyên thủy cho thấy sự tăng trưởng nhanh về thể tích bên trong sọ người so với sọ loài khỉ: người đứng thẳng Homo erectus tăng từ 800/900 phân khối đến 1400 phân khối trong vòng một triệu rưỡi năm. Sự tiến hóa về phẩm chất sọ được ghi nhận khi người ta thấy mặt dưới vỏ sọ người cổ càng ngày càng có nhiều dấu vết mạch máu, mạng lưới mạch này ngày càng phức tạp, nối ngang dọc nhiều vùng não khác nhau.
- Mạng lưới mạch (gân) máu phức tạp đem lượng dưỡng khí càng lúc càng lớn hơn nuôi não, (vùng thọ nhận do các giác quan nghe, thấy, ngửi, nếm...đem lại; vùng Broca và vùng Wernicke...nơi nghe, hiểu và chuẩn bị việc phát ra tiếng nói) và một mạng tế bào não càng ngày càng rộng lớn vì loài người sử dụng triệt để bộ não trong cuộc sống.
- Điều kiện cần về mặt cấu tạo cơ thể cho tiếng nói thành tựu là thanh quản lớn và xuống sâu trong cổ họng.
- Nhờ tiếng nói mà người khôn ngoan Homo sapiens sapiens có khả năng sinh tồn vượt xa giống người Homo sapiens cổ hơn, chiếm lĩnh toàn thế giới, phát triển thành xã hội đông đảo ngày nay, đẩy giống cổ Homo sapiens đến chỗ tiêu vong.
- Sau hết, vì số lượng thông tin ngày càng nhiều, đưa đến sự phát minh ra chữ viết (cách đây hơn sáu nghìn năm). Chính chữ viết đã trở thành yếu tố thúc đẩy mạnh não phát triển để có thêm chức năng đọc, chức năng hiểu, cãi cọ, tranh luận, phát minh, trao đổi những kỹ thuật, phương pháp khoa học, những lý luận, kiến thức mới. Và với tiếng nói, phát huy đời sống tình cảm, bày tỏ được đam mê, thoả mãn được nhu cầu tìm đến cái đẹp, cái thật, cái thiện: tôn giáo, văn học, triết học, nghệ thuật cũng được nâng cao, phát triển.
- Đó là nhờ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mặc dù nhịp độ lớn mạnh hay khuynh hướng xã hội của quốc gia nào cũng bị giới hạn, chi phối bởi lịch sử, văn minh, văn hoá, đời sống tâm linh, môi trường sống riêng của các cá nhân (và trình độ nhận thức/văn hoá đảng phái cầm quyền) quốc gia đó. Chỉ hơn vài mươi thế kỷ bộ mặt nhân loại hoàn toàn thay đổi.
Vậy mà bây giờ Thầy biểu KHÔNG NÓI !
- Một mặt của tiến bộ tâm linh loài người được thể hiện qua việc tôn trọng tôn giáo và tự do tín ngưỡng, qua việc mở mang và truyền bá tôn giáo, qua nhu cầu mỗi ngày một tăng như mở mang hệ thống chùa chiền, nhà thờ, các trường dạy đạo cho tu sĩ, tổ chức hành hương về thánh địa, về cội nguồn của các giáo chủ. Tiến bộ tâm linh còn được biểu hiện qua sự thành lập càng lúc càng nhiều các tổ chức tôn giáo và mâu thuẫn thay, sự thành lập các tổ chức không tôn giáo. Thật ra chính sự mâu thuẫn này nói lên tiến bộ tâm linh hiện nay của loài người: không phân biệt tôn giáo, chủng tộc vì chính tôn giáo và chủng tộc xưa kia vốn là 2 chướng ngại lớn, nếu không nói là hai nguyên nhân chính của chiến tranh và chia rẽ.
- Được ít nhiều các tầng lớp xã hội ủng hộ, đa số các tổ chức nói trên đều có quy củ và hệ thống: các hội đoàn nhân đạo, cứu trợ, bảo vệ người (bệnh hoạn, tàn tật, thiểu số ngoài lề xã hội...) thú vật (hiếm, quý, yếu đuối, sắp tuyệt chủng...), trao truyền bất vụ lợi các tin tức hữu ích, kiến thức và kỹ thuật khoa học xã hội văn hoá, vân vân và vân vân.
Vậy mà bây giờ Thầy biểu KHÔNG NÓI !
Nhưng nhìn kỹ lại, lúc nào tiến bộ tâm linh cũng không theo kịp đà tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hay nói đúng hơn con trâu (rùa) tâm linh đạo đức không đủ khả năng (nhanh nhẹn) chỉ rõ biên giới hành động cho con ngựa (cuồng si) tiến bộ kỹ thuật. Bằng chứng là chiến tranh, khủng hoảng xã hội, tâm lý vẫn triền miên có mặt tại các nước kỹ thuật tiên tiến cũng như ở các nước nghèo nàn về kỹ thuật.
- Có lẽ vì tính cách duy vật (chất) và vị cá nhân, vì quan niệm sai lệch về văn hoá, về tiến bộ văn minh, thêm vào đặc tính biểu lộ bên ngoài, dễ thấy, dễ thuyết phục các giác quan, nên các tiến bộ kỹ thuật khoa học đã chiếm lĩnh cả không gian, thời gian, giữ địa vị độc tôn khắp mọi nơi. Thậm chí chúng còn là cái cớ kẻ mạnh (nước lớn đi mở mang, khai hoá) mà thực chất là áp đặt ảnh hưởng hay xâm chiếm của cải người yếu (các nước nghèo/nhỏ).
- Trong khi đó, tiến hoá về tâm linh lại hạn hẹp và chậm chạp mặc dù nhu cầu tâm linh cũng là thứ nhu cầu cá nhân. Dù mọi tiến bộ kỹ thuật khoa học đều nhân danh cá nhân và nhằm phục vụ cho cá nhân. Người tiêu thụ (hàng hoá/trò giải trí/thuốc men/bệnh viện) là vua. Các nỗ lực, các thành tựu đều giúp cá nhân tạo thêm nhu cầu vật chất: ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng, lợi tức dồi dào, khoẻ mạnh, trẻ đẹp lâu dài, vui chơi đủ kiểu khác người, du lịch thế giới, cung cách giải trí (hơn thiên hạ). Nhiều mặt ở đây là mặt của thân xác và giác quan.
- Và nhu cầu nhiều thì cần nhiều phương tiện để thoả mãn nhu cầu: tiền bạc, quyền hành. Vấn đề tâm linh càng lúc càng bị thu hẹp vào lãnh vực tôn giáo, vào hoạt động xã hội, nhân bản. Phải chăng một phần lớn cũng chỉ để thoả mãn mặt nào đó của cái tôi, của bản ngã mà thôi. Phải chăng vì vấn đề tâm linh quá trừu tượng và là thứ nhu cầu không cấp thiết nên dễ dàng bị lấn lướt để rồi luôn luôn bị xếp hạng sau cùng. Cho nên dù đời sống tâm linh, nhân sinh quan con người ngày nay tuy cũng có biến đổi, có sự tiến hoá rõ ràng từ mức độ gia đình, bộ lạc, với tín ngưỡng từ đa thần huyền bí qua đến độc thần, rồi vô thần và có cả nhân bản vị tha, nhưng rõ ràng là khắp nơi, bất cứ lúc nào và ở đâu, chúng ta cũng vẫn còn thấy tiềm tàng cái tinh thần bộ lạc, các thành kiến về tín ngưỡng hay chủng tộc. Tỉ lệ những tầng lớp người với suy nghĩ và quan niệm tiến hoá khác nhau nói trên thay đổi theo các vùng văn minh và chính trị khác nhau.7
- Tóm lại ta thấy mọi biểu hiện thắng thế và đầy vẻ thuyết phục của việc sử dụng não vào việc "tranh đấu": đây là công việc của phần não ở tiền trán, phần não của ý thức, ý căn và trí năng. Phần não của tiếng nói, của mắt nhìn và tai nghe của tự ngã nhiều đòi hỏi cho chính nó chứ không phải phần não của chân, thiện, mỹ cho mọi người chứ không riêng bản thân và gia đình hay dân tộc mình.
- Thì ra ngôn ngữ là bánh xe đẩy sự thăng hóa nhân loại. Ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ của khám phá, tư duy, biện luận, nhưng ngôn ngữ bị lạm dụng vì sự thăng hoá ấy cũng đưa đến những thiệt hại không có mặt vào thời cổ xưa.
- Dường như từ khi biết nói đến bây giờ, con người chưa lúc nào ngừng nói, ngừng nghĩ. Nói để tiếp tục nói nhiều hơn, nói lấn áp, nói dối với mình và người. Nói để được cái gì đó. Không có người đối diện mà vẫn tiếp tục nói. Đối thoại hoá ra độc thoại mà không hay biết. Nói ra lời, nói với người mà hoá ra nói thầm, chẳng ngờ mình lại nói năng, thêm bớt, xúi giục với chính mình. Từ lúc thức cho đến cả trong giấc ngủ, sinh bệnh mà không hay.8
- Càng giàu có tân tiến, cuộc sống càng nhiều hối hả, tranh đua. Gần như suốt cuộc đời, con người không ngừng chạy theo công việc, tiền bạc, danh lợi. Trong nhiều cuộc thăm dò dư luận, các câu trả lời cho thấy đa số con người quan niệm rằng thành công trong việc làm (nghề nghiệp) là thành công của cuộc đời, hoặc có hạnh phúc nghĩa là đạt được địa vị cao trong xã hội. Một thăm dò9 Ifop cho thấy 61% người Pháp cho rằng vì "thiếu tiền bạc nên không cảm thấy mình được hoàn toàn hạnh phúc".
- Truy tìm, mưu cầu hạnh phúc là mục đích tối hậu, nhưng mưu cầu, tìm kiếm hạnh phúc lắm khi trở thành tranh đấu cho cuộc sinh tồn. Và nghỉ ngơi, giải trí cũng trở thành cuộc chạy đua cho các giác quan được thoả mãn.
- Thật vậy chúng ta thích cho các giác quan (nghe, thấy, xúc chạm) "được phục vụ no nê" đến tận cùng mà chân tâm bị bỏ quên. Phim ảnh, trò giải trí… phải thật kích động, gay cấn, kinh dị, tàn bạo, khó khăn... phải làm hồi hộp, lo sợ, suy tư, căng thẳng... mới đáp ứng đòi hỏi khán, thính, độc giả.
- Và đối với nhiều người, nhiều quốc gia (thí dụ một quốc gia, để khỏi định danh, xin gọi nó là...anh hàng xóm) tranh đấu là tranh tham, là cất giữ chiếm đoạt không ngừng nghỉ. Tranh đấu, với họ, không còn là phấn đấu cho đủ bữa, qua mùa như thời xa xưa mà là giành giật, cướp đoạt, lấn đất, lấn biển, vơ vét tài nguyên lân bang và thế giới để tích luỹ, sẵn sàng tiêu diệt đối thủ, bè bạn để bảo đảm hiện tại, thậm chí cả cho (hay bất kể) tương lai xa vời.
Tất cả làm khổ nhau cũng vì vọng tâm, vọng tưởng, chạy theo tiếng gọi của tâm phàm phu, theo tiếng nói hoàn toàn bị bản năng, dục vọng đam mê sai khiến: tham, sân, si. Cái tham, sân, si khiến con người điên cuồng mù quáng chạy đua trong việc truy tìm lợi nhuận, bất kể hậu quả đưa đến sự suy thoái, tàn phá môi trường sống của mình của đất nước và của cả nhân loại nữa. Có lẽ xa cách giữa tinh thần và vật chất sở dĩ càng lớn chỉ vì vấn đề tâm linh không được nhận định rõ (như quan điểm nhà Phật): đó là khoảng cách giữa tâm phàm phu (tức là tâm đời và tâm đạo) với tâm bậc thánh và tâm Phật (vô ngã, vị tha).
Quan niệm mới và kỹ thuật độc đáo của Thầy Thông Triệt cho biết rằng nếu chúng ta muốn xoá bỏ khoảng cách ấy, san bằng hố sâu ấy nghĩa là muốn đi vào con đường hạnh phúc hay muốn có cái tâm Phật thì chỉ cần làm chủ tâm ngôn, tức là làm chủ lấy mình, tức là chuyển hoá tâm phàm phu, bằng năng lực tâm linh. Bước khởi đầu là lắng tâm, không nói, là dừng bước thứ nhất của tiến trình vọng tâm. Nghĩa là hành Thiền, đặc biệt đi lại con đường chứng ngộ của đức Phật.
Hèn chi Thầy biểu KHÔNG NÓI
Hố sâu giữa tánh phàm và Phật tánh, giữa nhu cầu tinh thần và tiện nghi vật chất cũng là hố sâu giữa hoạt động của hai hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm nơi con người, giữa bộ máy chiến đấu và cơ chế nghỉ ngơi hồi phục, giữa thân xác đầy dục vọng tầm thường vị ngã và tâm linh hướng thượng vị tha. Hố sâu giữa các quan niệm về hạnh phúc của đời người.
- Có lẽ chính vì thế, bằng trực giác con người, đa số các tôn giáo không ngừng khuyên dạy con người đối xử đẹp đẽ với nhau... Hạnh phúc là mục đích tối hậu của một đời người. Nhưng vì các phương pháp đưa ra quá khó khăn, lại đòi hỏi cố gắng và nhiều thời gian. Trừ một số hiếm hoi (trong đó các tu sĩ), tuyệt đại đa số nhân loại vất vả trên con đường dài tìm kiếm hạnh phúc vì chưa có một con đường "tắt" nào dễ đi.
- Thì đây Thầy dạy cho những chiêu thức và kỹ thuật thực hành để cuộc tiệm tu có cơ hội đến đích. Chúng rất giản dị: ta sân hận, so đo, ghen ghét, tham lam, giận dữ chỉ vì tâm xúi giục, tưởng tượng, thêu dệt những viễn cảnh hạnh phúc, giàu sang… nhưng thực tại ít khi như ý muốn hoặc nó xui khiến ta hành xử trái với lương tâm đạo đức miễn sao đạt được mục đích. Trong bất cứ cuộc đời phẳng lặng nhất hay sóng gió quang vinh nhất, ai ai cũng có những cơn vui, buồn, tủi nhục; từ những phút khải hoàn rực rỡ (và cực kỳ phù du!) hay căm hờn, uất ức, thất vọng, ưu phiền, tiếc nuối đến những thứ thú đau thương "nhẹ nhàng" như tình trạng tâm thức bị căng thẳng vì vấn đề di chuyển, hiệu năng, công suất trong việc làm... Mọi thứ luân phiên mất còn, lên xuống, theo được cũng hụt hơi, có khi hụt luôn cả nhiều thứ khác. Vậy thì dính mắc làm chi? Chấp thủ, chấp ngã làm gì... cho mệt? Lại khiến hệ thống thần kinh mất thăng bằng, sinh lý cơ thể rối loạn. Cái này sinh vì cái kia sinh là thế đó. Không phải tự nhiên mà trong giấc ngủ chân vẫn muốn đi và hơi thở chợt ngưng10 khiến người ta khó chịu thức giấc. Vòng lẩn quẩn của...cuộc đời vô thường.
- Đời sống ta là cuộc tranh đấu không ngừng để giữ ta có mặt một cách "ngon lành" trên đời này. Trong thân ta là luân phiên những phản ứng sinh hoá và tâm lý liên tục để giữ cơ thể và tâm thức thăng bằng. Chúng ta là những chuông treo trên chỉ mành mà ít khi chúng ta ý thức được điều đó. Chỉ một trận (trời trở) gió, một tai nạn (cỏn con như cánh bướm đập tại New York...), một lời tuyên bố đầu hàng...đến một chút cựa mình của mảng lục địa nào đó là ta điên được (điên khùng, điên tiết, giết người, cướp của...) hay mất dạng trên thế gian này. Nhẹ hơn thì ta (chỉ) nhức đầu, cao máu, mất ngủ, tiểu đường, đau tim, yếu thận, suy nhược thần kinh, trầm cảm, chán đời...
- Giản dị thay, muốn thân tâm cân bằng, ta chỉ cần hạn chế việc sử dụng quá đáng hệ thống trí năng. Và tăng sự nghỉ ngơi cho tâm trí. Cân bằng hệ thống kích thích tố các tuyến nội tiết, cân bằng hệ thần kinh trung ương cũng như ngoại biên không thông qua thuốc men.
- Nghỉ ngơi tâm trí là ngồi Thiền, là tác động thẳng vào cơ chế tánh giác. Đi thẳng vào cơ chế tánh giác, làm chủ tâm ngôn để hạn chế vọng ngôn, ác ngôn, hạn chế lòng tranh tham, so sánh hơn thiệt, ý hướng thắng bại, và do đó hạn chế tham sân si. Ðể từ từ tâm tĩnh lặng thật sự, để dần dà con mắt mở ra nhìn vào trên sự thật như vậy đó về thân này, về hiện tượng thế gian, về nhân sinh quan của mình: vô thường và vô ngã. Tâm định là thế đó! Giản dị như mở mắt nhìn...ra ngoài: biết không lời. Giản dị như nhắm mắt để nhìn lại bên trong: biết thầm lặng. Không nói bên ngoài và không nói bên trong. Dòng Biết liên tục của tỉnh thức không nội dung vì không bị đối tượng níu kéo. Ngưng lại những cuộc độc thoại triền miên vì chúng được nuôi dưỡng bởi cái ta. Tấm thân tứ đại (nhưng) rời rạc làm từ đất, nước, gió, lửa, thật sự đổi thay, già chết từng giây từng phút, từ ho hen cảm mạo, đến tàn tật, ung thư dễ dàng vì những con vi trùng vi khuẩn bé tí teo, mà lúc nào ta cũng tràn đầy mộng tưởng, khát vọng. Tức là tràn đầy những đối thoại dai dẳng, độc thoại thầm kín và liên tục trong bộ não hơn một ký rưỡi kia. Phải không nói thầm, không suy tính cho Tưởng không có cơ hội hình thành. Nghiệp do dó không được tạo ra. Tánh giác có cơ hội lộ diện. Tầm thường, dễ dàng như một bài toán cộng/trừ (!).
- Chỉ cần miên mật thực hành, dụng công cho đúng như Thầy đã dạy để có kinh nghiệm rõ ràng thế nào là tánh giác trong thân, tâm và trí tuệ "của ta" như đã nói ở trên. Kết quả đầu tiên là thân tâm hài hoà. Sự hài hoà này đưa đến hài hoà giữa (tâm lý tâm linh) ta với môi trường (đời sống xã hội và người khác) xung quanh.
Hèn chi Thầy biểu: "Không nói... thầm"!
Sự im lặng xưa nay bao giờ cũng được đề cao nhất là khi...không biết (phải dựa cột mà nghe!) Người Á Rạp có câu tục ngữ: cây im lặng sinh quả hoà bình. Có im lặng, tai ta mới nghe được tiếng vỗ của một bàn tay. Sự im lặng ở đây là sự im lặng của cái biết không lời, nói nôm na là thấy biết như thế đó, không kèm lời bàn (mao tôn cương hay lời thị phi). Cái Biết tiềm tàng trong các tri giác của nghe, thấy, xúc chạm, nhận thức. Cái Biết nội tại và thường hằng.
Khi cái Biết ấy trở nên nhận thức rõ ràng và vẫn thầm lặng nghĩa là tỉnh thức biết thì sự dụng công miên mật đưa đến chuyển hoá tâm thức, tuệ trí bắt đầu mở ra. Tâm từ bi, vị tha vô ngã hướng dẫn đời sống.
Nhận thức không lời hay nhận thức Biết như thật là bước kế tiếp với đối tượng siêu việt là Chân Như, là Tánh Không. Chân như đã có trong nhận thức không lời: đây là phản xạ thụ động. Bước cuối cùng là làm chủ được nghiệp thức, không để nghiệp xấu lôi kéo ảnh hưởng vào phút giây cận kề cái chết.
Nhưng giữa những khoảng thời gian thực hành Thiền, chúng ta vẫn phải sống cuộc đời thường, nghĩa là vẫn phải...nói. Vậy thì:
KHI NÀO NÓI, KHI NÀO KHÔNG NÓI ?
- Phật đã dạy nói lời chánh ngữ, nói có thời. Chúng ta đã hiểu rồi: sống trong cuộc đời này, chúng ta không thể im lặng mãi cũng như nói không ngừng. Cho nên việc "nói" để truyền bá tri thức, ý tưởng, hướng dẫn suy luận, nói để hoà giải, để hoà hợp khiến cuộc sống chung được dễ dàng, phong phú thêm lên về mọi mặt, đúng là vai trò của các nhà giáo dục, của bậc thiện tri thức, các vị lãnh đạo chính trị tôn giáo đứng đắn. Trong một xã hội hay một đất nước, nếu những người tỉnh thức, có tánh giác mà không có điều kiện phát huy, hay tệ hơn nữa bị kẻ cầm quyền ngăn chận, đàn áp, thì xã hội, đất nước ấy sẽ khập khiễng, hư hoại khó có hy vọng khá hơn lên được.
- Khi đã nói đủ, làm đủ, ta không nói năng, suy luận, không bám víu. Đối cảnh vô tâm, lìa tướng không nhiễm. Vô niệm, Vô tướng, Vô trụ như lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng.
KẾT LUẬN
- Phật nói tất cả mọi thứ đều đến từ tấm thân này. Mà thân này là một đời tâm lý, tâm linh với những biến chuyển, xúc cảm lại nằm trong bàn tay sai khiến, quản lý của hệ thần kinh phức tạp. Nói gọn hơn nữa thì cả đời sống ta tuỳ thuộc vào bộ não. Não là nơi tâm chiếm ngự, nó thu nhận đủ thứ thông tin trong và ngoài cơ thể để ra mọi mệnh lệnh sai khiến nhằm duy trì mạng sống ta, khiến ta đáp ứng thích hợp với môi trường quanh ta. Não trước, não sau, bên trái bên phải, tạo nên những hoạt động có ý thức hay vô ý thức, thoả mãn các chức năng tâm sinh lý.
- Thế mà từ nay, bằng cách không nói thầm, không định danh đối tượng, nhìn và chú ý trống rỗng, ta có thể làm chủ được tâm dễ dàng. Thay vào con đường dài thăm thẳm vòng vo vô tận là đoạn đường ngắn, thẳng tuột, thênh thang. Mấy mươi ngàn năm để biết nói năng suy luận, hai ngàn năm trăm năm để biết có một con đường. Và bây giờ phương pháp Thiền Tánh Không có thể giúp nhận diện con đường ấy.
- Phương pháp Thiền Tánh Không là phương pháp rõ ràng, có các giai đoạn, có lý thuyết và kỹ thuật thực hành, dễ thực hiện theo sự hướng dẫn cực kỳ bình dân, giản dị của Thầy Thông Triệt (và sư cô Triệt Như, cũng như các giáo thọ sứ giả Bồ Đề tương lai đang được huấn luyện). Thầy Thông Triệt đã lập được một quan niệm mới phù hợp với tâm thức thời đại, một phương pháp độc đáo, lô gích và khoa học. Thêm vào đó mức độ ngộ lý cũng như thể nhập phương pháp và thực hành của người học được kiểm chứng dễ dàng.
- Các vùng não với chức năng phân chia được định rõ chỉ mới từ vài thập niên cho đến gần đây. Nhờ điện não đồ, máy fMRI, người ta có bằng chứng rõ ràng: giả thuyết của Thầy trở thành nguyên lý, thành sự thật hiển nhiên.11 Những sự thật Thầy đã chứng nghiệm được qua mười mấy năm miên mật công phu, và Thầy nghiên cứu, lập thành hệ thống để truyền dạy lại cho học trò chúng ta. Thầy dạy làm chủ tâm ngôn, nghĩa là ta sẽ không còn bị tâm (phàm) sai khiến.
Chỉ mới thử tưởng tượng thôi chúng tôi nghe như mình đi được...nửa đường hạnh phúc. Đường vẽ ra dễ quá, tưởng chừng như đôi ba tháng là đạt được mục đích. Đi hết chương trình là đi trên con đường bát chánh đạo.
Nhưng coi (dễ) vậy mà...không phải (dễ) vậy. Chúng tôi càng học càng thấy...còn nhiều điều phải học và nhất là phải thực hành: Sau chuyến nhập thất, trở về với cuộc sống tất bật một ngày 9, 10 giờ làm việc, dù ngồi thiền đôi lần trong ngày, chúng tôi vẫn chưa tìm lại những giây phút khinh an đã có trong 10 ngày Thiền tập ở Đức. Chiến thắng mình là một cuộc tranh đấu hứa hẹn nhiều gian nan, cần nhiều năng lực và dũng cảm như Thầy đã trìu mến căn dặn. Thầy nói Thầy đưa chìa khoá thôi, rồi thì quý vị (chúng ta tự thắp đuốc) đi lấy một mình. Có phải vì chìa khoá trong tay mà tư lương, hành trang chưa đủ chăng? Vì chủ quan?
Thiền là một khoa học tâm linh. Học được, thể nghiệm được. Một khoa học tâm linh mới mẻ và cần thiết, hữu ích cho con người, vượt ra khỏi giới hạn tôn giáo!
Khoa học ấy phải nên được chọn để đưa vào chương trình giáo dục thanh niên. Thử tưởng tượng viễn ảnh tốt đẹp trong các hãng xưởng, nhân viên thân tâm hài hoà, việc làm năng suất cao, phẩm chất tốt. Ban lãnh đạo không còn mất thì giờ, tiền bạc nghiên cứu để đối phó với tình trạng căng thẳng nơi đầu óc nhân viên. Thử tưởng tượng một thế giới với những thế hệ thanh niên thân tâm hài hoà, biết làm chủ những dục vọng sơ khai, bản năng, biết bảo vệ và lèo lái quả đất này sống theo chân thiện mỹ... Thử tưởng tượng, một thế giới gồm những con người làm chủ được sự suy nghĩ của mình, những con người ứng xử với nhau bằng Tánh giác vô ngã.
(TT) Diệu Trí & Tấn Lực
Đạo tràng Tánh Không Paris, Pháp
CHÚ THÍCH
1 Từ ngày 6 đến 16 tháng 5 trong lớp chuyên tu Thiền Định khoá III, khoá tu học ngắn hạn do Hội Thiền Tánh Không Đạo tràng Stuttgart tổ chức từ 05/05/2010 đến 22/05/2010 tại Boblingën, Đức.
2 Quan niệm mới về sự thực hành Thiền CD 3, ngày 20.04.2009, Sydney, Úc.
3 Thầy nói vậy nhưng trong các chương trình học, Thầy sắp xếp có hệ thống lớp lang, các lớp học Bát Nhã và Tâm Lý cũng như lịch sử Phật giáo là giáo lý không thiếu trong các khoá tu. Ngoài ra còn có những buổi thảo luận để đúc kết cũng như câu hỏi trắc nghiệm để Thầy kiểm soát mức độ thu nhận, thông hiểu của học trò.
4 "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?". Tổ Huệ Khả hỏi ngài Huệ Minh - Các giai thoại, công án có liên quan đến tâm: Đem tâm ngươi ra đây ta an cho...-Trước khi cha mẹ chưa sanh. Cái gì là bản lai diện mục?
5 Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười... Càn Khôn Thập Linh, kinh Hoa Nghiêm, chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm...
6 Xin cám ơn các anh chị trong các Đạo tràng Tánh Không Paris-Stuttgart.
7 Lý thuyết spiral dynamics xã hội con người tiến hoá năng động theo hình xoáy/xoắn ốc của Graves, Don Beck...
8 Trong các bệnh tâm thể có hội chứng "chân không nghỉ ngơi" và "nín thở" (qua sông đời?): bị mất ngủ vì chân cứ đi hoài dù nằm trên giường và phổi "quên thở".
9 Vào tháng 6-2008 tại các nước Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức.
10 Syndrome des pieds sans repos (và apnée). Trong hội chứng này và trong bệnh liệt rung: trong não thiếu chất Dopamine (do hệ đối giao cảm kích thích mà sinh ra). Thuốc an thần và thuốc trị suyển, thuốc lá, cà phê, rượu là những chất xúc tác bệnh Chân không nghỉ ngơi này và cũng là những chất kích thích hệ giao cảm. Các chất kích thích này thường được người đi làm việc thích dùng vì họ cần giữ đầu óc tỉnh táo hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn, cần…quên hay cần thêm can đảm để đối phó.
Trong bệnh Alzheimer, ngoài việc thiếu Dopamine, não còn thiếu cả chất Acetylcholine. Xem Hệ thần kinh tự quản và các bài viết trong các Tập San Tánh Không.
11 Vùng tánh giác (có lẽ tương đương với vùng Gyrus angulaire hay rộng hơn: vùng số 39 trong các vùng chuyên biệt theo Brodmann, ngã ba nơi gặp gỡ thuỳ chẩm, thuỳ đỉnh và thuỳ thái dương). Mấy mươi năm về trước, MacLean đặt giả thuyết về bộ óc ba thành phần của con người, ông nhận xét, phần não mới sau cùng (neocortex) của intellect trí năng suy luận cần phải "hồi quang phản chiếu" đem tâm thức tâm lý (nói theo tiếng của sư tổ Thiền) để làm sinh ra (điều hoà) chức năng sinh lý hai phần óc hoang dã (bò sát và vượn khỉ) hầu thoát khỏi những ảnh hưởng bản năng (như sợ hãi, lo âu, căng thẳng) của chúng. Nhưng ở đây theo phương pháp Thiền Tánh Không, vấn đề là "ta" làm chủ cả 3 hệ thống.