Nhìn Lướt



Các Pháp do duyên sinh
Các Pháp từ duyên diệt
Bậc giác ngộ tuyệt vời
Đã từng như vậy thuyết
.

Cứ vào cuối Xuân, khi trời Paris vẫn còn lành lạnh, thì Thầy Thiền Chủ và Tăng đoàn từ Nam California qua Stuttgart (Đức)… rồi tới Paris. Từ hơn 8 năm nay, thiền sinh ở Pháp thọ hưởng công đức của Thầy và Tăng đoàn nhiều lắm! Thế nên mỗi khi Thầy qua Paris là chúng tôi ở mọi nơi trên đất Pháp đều di chuyển về đạo tràng Paris để huân tập và hấp thụ thêm nhiều bài học quý giá, áp dụng theo kỹ thuật của Đức Phật và chư Tổ dạy từ hơn 2500 năm qua, mà Thầy là người truyền đăng tục điểm đang dạy lại cho chúng con!

Hôm nay chúng con được hưởng đặc ân đó vì hội đủ duyên lành nên con đã chuẩn bị trước, lấy xe TGV (chuyên chở cao tốc) “xe lửa tốc hành” lên Paris, vượt đường xa hơn 400 cây số để được học tiếp khóa Bát Nhã 4 và ôn lại phần thực tập “nhập thất” chuyên tu Thiền Định và Thể Nhập Chân Như.

Trời bên ngoài đã sáng tỏ, đằng xa ánh dương đã ló dạng, toa xe nào cũng đông người và đủ sắc tộc, tôi vẫn lặng yên, giữ vững “cái Biết” thanh tịnh không nghĩ gì... đi tìm chỗ ngồi cho đúng vị trí số vé. Chào người bên cạnh xong, ngồi xuống số ghế mình, tâm vẫn an lạc... may là được ngồi gần cửa sổ kiếng... nhìn cảnh bên ngoài dể dàng hơn!
Tôi thực tập “nhìn lướt”... Tàu hỏa chạy hơn 250 cây số/giờ, nhưng vẫn êm ả, nhịp nhàng, không một tiếng ồn ào bên trong toa, ai lo việc nấy: kẻ đọc sách báo, người làm việc trên Internet, ông nầy dạy con học, bà nọ đắp chăn thêm cho bé con...! Tôi “chỉ Biết” đơn giản thôi, mặc kệ họ, cứ nhìn cảnh bên ngoài, xe lướt nhanh về phía trước, tôi nhìn lướt qua khung cửa kiếng! Mùa Xuân còn sót lại, ruộng đồng hai bên xanh tươi... mạ non cao lên 3,4 tấc như một tấm thảm xanh mượt trước mặt; xa hơn một chút nữa là dày đặt mấy đám ruộng đầy hoa vàng... đẹp ơi là đẹp! Hoa gì đây… nó rồi: hoa colza vàng tươi óng ả trong ánh sáng mặt trời, sắp đến mùa gặt rồi; các bác nhà nông mỗi người một xe tracteur lái đi chậm chạp qua lại trên thửa ruộng vàng... Hoa nầy đem về ép lấy dầu colza cũng giống như cứ tháng 6 tháng 7 là họ gặt hái hoa hướng dương “tournesol” để cũng ép dầu. Xứ văn minh họ không tốn công sức nhiều như xứ mình nhưng thu hoạch năng xuất cao.

Cứ nhìn luớt và Biết trong thầm lặng mà đã qua hơn nửa giờ, tôi vẫn khỏe và an vui, trong đầu không một nghĩ tưởng chi cả… Tôi lại tiếp tục nhìn, đây rồi, một khu rừng thông xanh tươi tắm mình trong gió sớm… ngồi nhìn cảnh bao la bên ngoài toa xe mà tâm bất động thì cũng chẳng khác chi ngồi thiền. Ở đâu cũng là “đạo tràng,” miễn sao được sống cùng “Tánh Giác,” cùng cái Biết Không Lời: nó thanh tịnh đầy đủ trong sạch, không một chút gợn buồn, gợn lo... và dứt cả nghĩ suy tính toán.
Lo về tương lai và hối tiếc quá khứ cũng không đến được! Tôi tập tu như vậy thấy mình khác xưa nhiều. Tôi đi ngược lại với tri kiến thế gian, chỉ biết “hiện tại, bây giờ và ở đây.” Tóm lại cách nhìn lướt nầy chỉ là giai đoạn 2 của tiến trình thiết lập định Không Tầm Không Tứ, từ đó người hành thiền được an ổn trong các tánh Thấy, Nghe, Xúc Chạm thuộc cơ chế của Tánh Giác. Nhưng muốn được Thiền Định sâu và bền hơn, còn phải qua nhiều giai đoạn cam go nữa mới có thể nhập vào Tỉnh Thức Biết và Nhận Thức Biết; đến đây tập “thể nhập Chân Như” và sẽ từ lần phát huy Trí Tuệ Tâm Linh. Muốn được như vậy, nên tiếp tục thực hành Thiền Định.

TU ĐỊNH
Thực hành Thiền định là tu tập để Tầm Tứ không động. Dù Thầy đã đưa ra nhiều kỹ thuật để áp dụng trong lúc thực hành, nhưng các giai đoạn Thầm Nhận Biết, đến Tỉnh Thức Biết và Nhận Thức Biết thì than ôi, “ba tạ dầu mè thoa lên cây,” trèo lên... té xuống... cam go vô cùng!
  1. Thầm Nhận Biết trong 4 tư thế Đi, Đứng, Nằm, Ngồi đã quen. Hy vọng lúc tọa thiền được Tâm an tịnh lâu dài hơn, không ngờ sau khoảng 10 phút, tự động nó khởi niệm. Thấy nó, biết nó, tự nó lặng. Rồi tiếp tục Tầm Tứ lắng đọng lại, 10 phút sau lại khởi lên niệm khác. Thực không ngờ; tác ý nhanh “không nói”. Không nói, nó lặng. Tiếp tục giữ tâm thanh tịnh, có lúc cảm nhận được vùng thùy đỉnh nặng nặng, người thấy nóng lên, nước bọt ra nhiều ta nuốt, cổ thông và sản khoái... Cứ như vậy để tự nhiên cho “cái Biết” đến rõ ràng, tức là đến giai đoạn Tỉnh Thức Biết... và tiếp tục đi lên... Nếu tác ý vui mừng là “vọng tưởng” lại dậy lên, mất ngay cái tĩnh lặng! Lại nhìn nó nữa, nó lại biến đi... Có khi phải theo nó vài phút rồi mới giựt mình nhắc “không nói” hay theo dõi hơi thở. Diễn tiến tiếp nhau rất nhanh. Nếu tỉnh thức “Biết Nó” thì nó biến cũng nhanh, đừng để bị lừa, nó dẫn đi đó. Thế nên ngày xưa ông Bàng Long Uẩn cho hay là “ba tạ dầu mè, trèo lên cây tuột.”

  2. Giai đoạn Tỉnh Thức Biết vững chắc nầy tương đương cùng “rõ ràng thường Biết” bên trong tâm và bên ngoài với trạng thái “không nói.” Tiến lên bước nữa “Tỉnh Thức Biết Không nội dung.” Tâm yên rồi Tâm trống rỗng.

  3. Giai đoạn 4 là “Nhận Thức Biết Như Vậy.” Tiếp theo Tâm đang tĩnh lặng và rỗng rang tức là “Tĩnh Thức Biết Như Vậy.” Ta dùng Nhận Thức Gợi Lên về trạng thái Như Vậy. Cái trạng thái Tâm Như Vậy được Đức Phật gọi là "Tâm Tathā." Nếu Tâm Tathā được gợi lên “từng chập,” từng chập sẽ kích thích vùng “Nhận Thức Biết Không Lời,” còn được gọi là “thể nhập Chân Như.” Có một phản xạ thụ động hay phản xạ ngoài giác quan kích thích tiềm năng giác ngộ từ từ bật ra hay Phật Tánh hiển lộ. Từ đây sẽ phát huy Trí Tuệ Tâm Linh (Trí Bát Nhã) sẽ có Sáng Kiến mới, Trí Sáng Tạo, trực giác phát minh, Từ trường Tâm Bi tự nhiên khai mở. Đến khi đạt được Thiền Định sâu thì “Ba Hành Không Động (Ngôn Hành, Ý Hành, Thân Hành), Thọ, Tưởng bị cắt, và sâu xa hơn nữa là Tập Khí / Lậu Hoặc, Kiết Sử, Tùy Miên bị tiêu trừ, nhân tố Luân Hồi Sinh Tử không theo nữa: Đức Phật nói là “đã đạt được cái Vô Sanh Pháp Nhẫn. Và như vậy sẽ đạt được Thoát Khổ, Giác Ngộ và Giải Thoát.”

Trong Kinh Trung Bộ A Hàm IV, Đức Phật đã tuyên bố sau khi gặp 5 vị tỳ kheo (Năm anh em ngài Kiều Trần Như):

"Ta là Như Lai, bậc Chánh Đẳng Giác. Ta đã tìm cầu sự Không Già, Bệnh, Chết, vô thượng an ổn Niết Bàn và đã đạt được. Sự Sanh đã chấm dứt, Phạm Hạnh đã thành, Điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa."

Như vậy, là Phật Tử chỉ còn cách là thực hành theo Đức Phật.

Lý thuyết, Kỹ Thuật Thực Hành đã rành rành ra đó, nhưng riêng tôi thì “trầy vi tróc vẩy” đến giai đoạn 3 thì bị khựng lại rồi. Nhớ lại “phản quang tự kỷ bổn phận sự”, nhìn lại tự thân sao tu lâu quá mà chưa thấy kết quả như ý nào? Chẳng bù có anh chị mới tập tu 2, 3 năm mà đã được Thầy khen “được cái Tâm Tathā.” Thiền sinh nào giỏi quá vậy? Mình sao chướng nghiệp nặng nề, chịu bao nhẫn nhục và cố gắng thực tập nhưng nghiệp cứ đổ ra, nhất là từ năm 2006 đã theo Thầy và Tăng đoàn đến Bồ Đề Đạo Tràng “phủi tóc gieo duyên,” về nhà đến nay cứ chuẩn bị ngày xuất gia theo Phật... Nhưng duyên lành không đến được! Còn gì buồn hơn? Thất vọng nhiều, muốn bỏ tất cả...! Nhớ lời Đức Phật dạy, Buông hết, Tu trở lui, Không nhìn ai, chỉ biết mình còn quá nhiều lậu hoặc... chưa chuyển được nghiệp thì lặng thinh tu tiếp, ai đi đến kết quả tốt thì mừng cho người đó. Cứ sống cùng Tánh Giác và thực hành lại kỹ thuật của Thầy... cái gì đến sẽ đến... sẽ có cái quả tương ưng cùng cách tu và thực hành Thiền Định. Thế là Tâm an, không nói thầm nữa... Tu sao cho hết “Nhân, Ngã, Chúng sanh, thọ giả” rồi tập “thể nhập Chân Như.”

Lúc nào thấy được:
Bóng trúc quét trên tường không vướng bụi
Trực Tâm là đạo tràng.
(Duy Ma Cật)

Ngoài không dính các duyên,
Trong không còn nghĩ tưởng,
Tâm như tường vách,
Thế mới vào được Đạo.
(Tổ Bồ Đề Đạt Ma)

Thực tế lý Địa, bất thọ nhất Trần
Nan Hạnh môn trung, bất xa nhất Pháp
Thúy trúc, hoàng hoa đâu ngoại cảnh
Bạch vân, minh nguyệt hiện toàn chân...
Đến như vậy là xong...
Triệt học vô vi, nhàn đạo nhân!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính lễ chư Phật và chư Tổ.
Cùng tri ân Thầy Thiền Chủ đã dày công giáo dưởng chúng con. Chúng con xin tạc dạ đời đời...
C.N.
Đạo Tràng Tánh Không Paris